Đấu giá tài sản: Nâng cao chất lượng đấu giá viên để chống tiêu cực
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh chỉ đạo chung trong hệ thống thi hành án dân sự là, tất cả phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc giao tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự đang gặp những khó khăn.
Bộ đã liên tục siết chặt kỷ luật kỷ cương, thành lập những đoàn kiểm tra, huy động cơ quan thanh tra vào cuộc, chấn chỉnh những sai phạm. Đối với những vi phạm của đội ngũ chấp hành viên thuộc lỗi chủ quan, cần kiên quyết xử lý, thậm chí huy động sự vào cuộc của các cơ quan khác, đảm bảo người sai phạm phải bồi thường sai phạm, chịu trách nhiệm trước Nhà nước.
Trong việc hủy kết quả bán đấu giá, cần sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, siết chặt và có những quy định cụ thể để khi có ý kiến của cơ quan thanh tra, hoặc ý kiến của các cơ quan liên quan, thì sẽ sử dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay.
Liên quan đến câu hỏi về tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, lạm dụng đấu giá, Bộ trưởng cho biết, nếu thông đồng để trục lợi, có dấu hiệu về hình sự, kể cả việc đẩy lên quá cao một cách bất thường tiền đặt trước hoặc giảm một cách bất hợp lý tiền đặt trước thì cùng với pháp luật về đấu giá tài sản, cần phải xử lý trong pháp luật chuyên ngành, như trong lĩnh vực về đất đai.
Thông tin thêm về thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp cho biết, Luật Đấu giá tài sản quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về đấu giá tài sản tại địa phương.
Luật Đấu giá tài sản cũng quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá do tổ chức đấu giá tài sản thực hiện. Các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…) quy định thủ tục đưa tài sản ra đấu giá, việc định giá, xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá do người có tài sản (cơ quan, tổ chức quản lý tài sản) thực hiện.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, một số quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan không còn phù hợp, bộc lộ một số tồn tại, bất cập; một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp; vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản...
Đề cập đến các giải pháp khắc phục thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Đấu giá tài sản, Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức; chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Cùng với đó là từng bước kiện toàn đội ngũ đấu giá viên có đủ số lượng, có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích đấu giá trực tuyến, nhất là đối với tài sản công, quyền sử dụng đất có giá trị lớn.