Dệt may đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
“Xanh hóa” ngành dệt may: Lợi thế xuất khẩu cho doanh nghiệp | |
Khó khăn bủa vây ngành dệt may | |
Ngành dệt may tích cực chuyển đổi số |
Trong những năm gần đây, dệt may luôn là một trong những ngành đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mặc dù trong bối cảnh thị trường trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp trong ngành đã rất nỗ lực và thích ứng rất nhanh với những thách thức của thị trường, giữ vững được đà tăng trưởng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của ngành dệt may ước đạt 35,3 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 80% kế hoạch xuất khẩu cả năm.
Với những nỗ lực đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành nhiều khả năng vẫn đạt được mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD vào cuối năm 2022. Các doanh nghiệp đã khắc phục nhiều khó khăn, đồng thời tích cực chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để gia tăng chất lượng sản phẩm.
Doanh nghiệp luôn cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất - kinh doanh. |
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may hiện đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động sản xuất giúp tiết giảm nhiều chi phí, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đơn cử như Tổng công ty May 10 (May 10) luôn giữ vững được đà tăng trưởng trên cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu tăng 42%, lợi nhuận tăng trên 50% so với cùng kỳ.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ, đơn vị đã tích cực nghiên cứu nâng cao giá trị của sản phẩm dựa trên áp dụng phần mềm, công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh. Hiện với hàng xuất khẩu, May 10 tập trung vào phân khúc trung cao cấp, sản phẩm mang tính thời trang chất lượng cao, giá cao, kết cấu phức tạp. Đối với hàng nội địa, Tổng công ty tập trung vào tất cả các phân khúc, từ cao cấp tới bình dân…
Trong xu hướng phát triển, doanh nghiệp luôn duy trì mục tiêu làm đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, chuyển đổi sản phẩm nhanh, mang tính thời trang, thời gian giao hàng nhanh. Để làm được điều này, buộc doanh nghiệp phải có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất. Hiện nay May 10 đã ứng dụng tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm áp lực về nhân công lao động. Bên cạnh đó, May 10 cũng đang áp dụng các phần mềm quản lý tiên tiến cho công tác quản trị.
Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất đã giúp các doanh nghiệp trong ngành dệt may giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng.
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian qua, việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, triển khai sáng kiến đã giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, vượt khó thành công.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và đón đầu những xu thế chung của các thị trường mà dệt may Việt Nam đang hướng đến, cần phải đẩy mạnh triển khai hơn nữa công tác này trong thời gian tới, đảm bảo và tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.