“Xanh hóa” ngành dệt may: Lợi thế xuất khẩu cho doanh nghiệp
Khó khăn bủa vây ngành dệt may | |
Ngành dệt may tích cực chuyển đổi số | |
Cổ phiếu dệt may đã đến thời điểm “bắt đáy”? |
Những yêu cầu cấp thiết
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID), ngành dệt may mỗi năm phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 và chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp.
Trong nước thải xả ra môi trường sau các quy trình xử lý ướt hàng dệt may như giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm… có nhiều loại hóa chất tác động nghiêm trọng đến môi trường, an toàn và sức khỏe con người.
Tùy vào trình độ công nghệ và trang thiết bị mà lượng điện năng tiêu thụ khác nhau, và với điều kiện hiện thời, theo tính toán ngành dệt may thường chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho năng lượng.
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị COP 26. Lại nữa, tại các thị trường “khó tính” như EU, Hoa Kỳ… những sản phẩm dệt may phải đạt “tiêu chuẩn xanh” trong sản xuất, thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải… hàng hóa được sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường, có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được...
Ảnh minh họa |
Cụ thể, tại các nước EU - thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nhà nhập khẩu yêu cầu hàng dệt may phải đáp ứng các tiêu chí an toàn; hạn chế việc sử dụng hóa chất trong quần áo và đồ trang trí, bao gồm một số thuốc nhuộm azo, chất chống cháy, hóa chất chống thấm, chống ố và niken; đảm bảo sản phẩm tuân thủ Chỉ thị an toàn sản phẩm chung của Liên minh châu Âu (GPSD: 2001/95/EC); sản phẩm không thuộc Danh sách các chất bị hạn chế (RSL)…
Cùng với đó, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều thị trường khác và các thương hiệu dệt may nội địa tại các nước xuất khẩu.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đang tích cực “xanh hóa” quy trình sản xuất để vừa đạt được tiêu chuẩn nhà nhập khẩu yêu cầu, vừa tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, xây dựng được thương hiệu bền vững.
Doanh nghiệp chủ động, Nhà nước hỗ trợ
Gần đây, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ đã đầu tư hệ thống điện mặt trời tại 3 nhà máy may với 100% thiết bị nhập khẩu từ Đức, hàng tháng đáp ứng được khoảng 15-20% tổng nhu cầu điện tiêu thụ. Điện mặt trời có thể giảm nguy cơ thiếu điện sản xuất trong những tháng cao điểm, giúp nhà máy "xanh" hơn.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, chi phí đầu tư ban đầu tuy cao nhưng khấu hao nhanh. Chỉ tính riêng tại nhà máy ở khu vực miền Trung, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 5 năm có thể khấu hao xong chi phí ban đầu.
Hiện “xanh hóa” đang là xu hướng chủ đạo của các doanh nghiệp trong ngành này. Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, doanh nghiệp cũng bị áp lực từ đối tác nhập khẩu khi liên tục đưa ra các yêu cầu về phát triển bền vững, xanh hóa, giảm phát thải, tránh ô nhiễm môi trường. Do đó, ngoài việc đầu tư các thiết bị tiên tiến, chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, thì sử dụng năng lượng sạch cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất.
May 10 hiện đang áp dụng đồng bộ các quy trình gồm xử lý nước thải để tái sử dụng, đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời cho dự án tại Bỉm Sơn (Thanh Hóa) có công suất khoảng 2 MW, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, giúp giảm chi phí lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Với tất cả giải pháp trên, toàn bộ hệ thống nhà máy may xuất khẩu của May 10 đều đảm bảo được các yêu cầu khắt khe của khách hàng.
Tương tự, từ năm 2021, Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) đã đầu tư hơn 31 tỷ đồng để đổi mới thiết bị, chuyển 100% hệ thống dùng lò hơi than sang nồi điện; lắp đặt hệ thống điều hòa tại các xưởng may. Qua đó, đã giảm sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm khí thải nhưng vẫn tạo được điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân. Nhờ đó, Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Phạm Thị Phương Hoa cho biết, doanh nghiệp đã có được lượng đơn hàng dồi dào, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.
Đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may trong quá trình “xanh hóa”, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Theo đó, các cơ quan quản lý đang tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, vốn vay đầu tư thông thoáng để tạo sức hút cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tham gia triển khai xây dựng các dự án đầu tư vào dệt, nhuộm, theo quy trình khép kín; tạo điều kiện sản xuất đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, trách nhiệm xã hội… Đồng thời, chú trọng cải cách hành chính nhằm tháo gỡ những thủ tục về xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp dệt may…
Đặc biệt, doanh nghiệp dệt may tham gia “xanh hóa” sản xuất có thể nhận được nguồn vốn ưu đãi từ hệ thống ngân hàng thông qua các chương trình tín dụng xanh vì dệt may nằm trong nhóm 20 ngành kinh tế đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro về môi trường khi cấp tín dụng.
Với những nỗ lực đó, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đã và đang được đón nhận tại nhiều thị trường và là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đã đạt con số ấn tượng với khoảng 35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, để nhân rộng quá trình “xanh hóa” sản xuất ngành dệt may không phải chuyện dễ dàng. Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký VITAS cho biết, hiện có 3 rào cản đối với doanh nghiệp trong quá trình “xanh hóa” sản xuất: thứ nhất là nhận thức của chính các doanh nghiệp về vấn đề này; Thứ hai, để “xanh hóa” sản xuất, cần nhu cầu vốn rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực để thực hiện, nhất là doanh nghiệp dệt may Việt phần lớn là vừa và nhỏ; cuối cùng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng quá trình “xanh hóa” của các doanh nghiệp vẫn còn yếu.
Để có thể vượt qua thách thức này, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, ngoài việc đầu tư thiết bị công nghệ thì việc giải quyết bài toán nguyên liệu là rất quan trọng, bởi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, bao gồm quy hoạch tổng thể, phân bổ thu hút đầu tư, các quỹ khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ tài chính... để giúp doanh nghiệp dệt may nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.