Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/12
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/12 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ: Phiên 16/12, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.148 VND/USD, tiếp tục tăng 04 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.792 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên giao dịch ở mức 23.130 VND/USD, tăng 02 đồng so với phiên 15/12. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.210 - 23.240 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 16/12, lãi suất chào bình quân LNH VND không thay đổi ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,27% và 1M 0,43%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,19%; 2W 0,25%, 1M 0,35%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng ở các kỳ hạn 10Y và 15Y, cụ thể: 3Y 0,34%; 5Y 1,01%; 7Y 1,30%; 10Y 2,36%; 15Y 2,58%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu: Ngày 16/12, KBNN huy động thành công toàn bộ 12.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Trong đó, khối lượng trúng thầu kỳ hạn 10 năm là 3.000 tỷ đồng, 15 năm là 6.000 tỷ đồng, và 1.500 tỷ đồng mỗi loại kỳ hạn 20 và 30 năm. Lãi suất trúng thầu từng kỳ hạn lần lượt tại 2,32%/năm (-0,04 đpt), 2,54%/năm (-0,05 đpt), 2,93%/năm (-0,05 đpt) và 3,15%/năm (-0,02 đpt).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, nhiều cổ phiếu lớn hồi phục trở lại trong suốt phiên giao dịch. Chốt phiên, VN-Index tăng 11,72 điểm (+1,11%) lên 1.066,99 điểm; HNX-Index tăng 3,76 điểm (+2,23%) lên 171,62 điểm; UPCoM-Index tăng 0,63 điểm (+0,90%) lên 70,25 điểm. Thanh khoản thị trường tuy giảm so với các phiên trước đó nhưng vẫn ở mức rất cao với tổng trị giá giao dịch trên 13.300 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 220 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội HNX, tháng 11/2020, có 16 doanh nghiệp đăng ký 43 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị đăng ký phát hành 17.900 tỷ đồng; giá trị phát hành thành công đạt 10.600 tỷ đồng, chiếm 59,1% tổng giá trị đăng ký phát hành, tăng 1.100 tỷ đồng (11,6%) so với giá trị phát hành trong tháng 10/2020. Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 2.311 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, trong đó có 1.970 đợt phát hành thành công, với tổng giá trị phát hành thành công đạt 348.400 tỷ đồng, chiếm 68,5% tổng giá trị đăng ký.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed giữ nguyên lãi suất và chương trình mua tài sản trong phiên họp chính sách cuối cùng của năm 2020. Cụ thể, các quan chức Ủy ban Nghiệp vụ Thị trường mở Liên bang Mỹ FOMC đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức từ 0,0 – 0,25% và cam kết tiếp tục mua trái phiếu cho đến khi nền kinh tế đạt được mức toàn dụng nhân công và lạm phát đạt mức 2%. Đồ thị dot plot được công bố sau cuộc họp cho thấy các quan chức Fed kỳ vọng lãi suất chính sách không thay đổi cho đến hết năm 2023. Mức lãi suất này đã được giữ nguyên trong 6 phiên họp liên tiếp sau khi giảm mạnh vào ngày 15/03 do lo ngại tác động của dịch cúm do virus corona lên nền kinh tế.
Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng, đa phần mang sắc màu sắc tiêu cực. Đầu tiên, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ chung của Mỹ lần lượt giảm 0,9% và 1,1% m/m trong tháng 11 sau khi cùng giảm 0,1% ở tháng 10, tiêu cực hơn rất nhiều so với dự báo lần lượt tăng 0,1% và giảm 0,3% của các chuyên gia. Tiếp theo, PMI sơ bộ lĩnh vực dịch vụ của Mỹ ở mức 55,3 điểm trong tháng 12, giảm mạnh từ 58,4 điểm của tháng 11 và xuống sâu hơn mức 55,7 điểm theo dự báo. Ở mặt tích cực, PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ được khảo sát ở mức 56,5 điểm trong tháng này, giảm nhẹ từ 56,7 điểm của tháng 11 nhưng vẫn tĩnh cực hơn so với dự báo ở mức 55,9 điểm. Các nhà phân tích của Reuters lo ngại kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái khi các gói kích thích cũ tiến dần đến thời gian hết hiệu lực và gói kích thích mới chưa được giới chức Mỹ thông qua. Bên cạnh đó, dịch bệnh tại quốc gia này tăng nhanh dần mỗi ngày và vaccine mặc dù bắt đầu được áp dụng nhưng cần rất nhiều thời gian để phát huy hiệu quả. Nhiều ý kiến dự báo tương đối tiêu cực rằng niềm tin kinh tế tại Mỹ sẽ giảm nhanh chóng trở lại trong thời gian đầu năm 2021.
Chỉ số PMI sơ bộ lĩnh vực sản xuất của nước Đức nói riêng và Eurozone nói chung lần lượt ở mức 58,6 và 55,5 điểm, cùng tăng so với 57,8 và 53,8 điểm của tháng 11, trái với dự báo giảm còn 56,4 và 53,0 điểm. Về lĩnh vực dịch vụ, PMI trong tháng 12 tại hai khu vực trên ở mức 47,7 và 47,3 điểm, cùng tăng từ 46,0 và 41,7 điểm của tháng 11, cao hơn so với dự báo ở mức 44,1 và 41,9 điểm.
Tỷ giá ngày 16/12: USD = 0.820 EUR (-0.38% d/d); EUR = 1.220 USD (0.38% d/d); USD = 0.740 GBP (-0.34% d/d); GBP = 1.351 USD (0.34% d/d).