Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 18-22/5 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 26/5, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.270 VND/USD, tiếp tục tăng mạnh 13 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên tại 23.326 VND/USD, tăng 21 đồng so với phiên 25/5. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.290 - 23.320 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm trở lại 0,05 - 0,07 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi tiếp tục giữ nguyên kỳ hạn 1 tháng so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 0,45%; 1 tuần 0,63%; 2 tuần 0,83% và 1 tháng 1,50%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,02 - 0,04 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: qua đêm 0,20%; 1 tuần 0,31%; 2 tuần 0,41%, 1 tháng 0,72%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 1,66%; 5 năm 2,09%; 7 năm 2,68%; 10 năm 3,01%; 15 năm 3,17%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 26/5, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 3,0%. Không có khối lượng trúng thầu trong phiên hôm qua, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ ở mức 2 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trong ngày có 1.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 1.000 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức gần 36.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, nhiều nhóm ngành hồi phục và được dẫn dắt bởi nhóm cố phiếu ngành ngân hàng, sắc xanh bao phủ toàn thị trường. Chốt phiên, VN-Index dừng ở mức 869,13 điểm, tăng 10,09 điểm (+1,17%); HNX-Index tăng 1,34 điểm (+1,23%) lên 110,49 điểm; UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (+0,73%) lên 55,33 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch ở mức trên 6.400 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng nhẹ gần 44 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị quyết 25/2016/QH14 và Nghị quyết 26/2016/QH14, trong giai đoạn 2016 - 2019, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước (thông qua Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp) chuyển vào ngân sách Nhà nước 205.000 tỷ đồng. Số tiền đã chuyển các năm 2016, 2017, 2018, 2019 lần lượt là 30.000 tỷ đồng; 60.000 tỷ đồng; 65.000 tỷ đồng và 50.000 tỷ đồng.
Trong năm 2020, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp còn phải chuyển về ngân sách Nhà nước 45.000 tỷ đồng. Về thoái vốn, từ năm 2016 đến tháng 4/2020, số vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được thoái là 25.172 tỷ đồng, thu về 171.865 tỷ đồng.
Tin quốc tế
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo về đợt bùng phát thứ hai của đại dịch Covid-19.
Người đứng đầu phụ trách các vấn đề khẩn cấp thuộc WHO, ông Mike Ryan cảnh báo làn sóng lây nhiễm virus lần thứ nhất vẫn chưa kết thúc, mặc dù số ca nhiễm đang giảm tại nhiều quốc gia nhưng vẫn tăng tại Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á và Châu Phi. Những nước có tỷ lệ lây nhiễm đang giảm có thể đối mặt với làn sóng lây lan lần thứ hai nếu dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn quá sớm.
WHO không thể đưa ra giả thiết “dịch bệnh đang có dấu hiệu suy giảm có nghĩa là sẽ tiếp tục giảm trong tương lai”. Ông cũng khuyến cáo đặc biệt với các nước Châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục đưa ra và duy trì các biện pháp phòng vệ để đảm bảo tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục được khống chế và suy giảm.
Hãng Conference Board khảo sát cho biết niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 86,6 điểm trong tháng này, chỉ tăng nhẹ so với 85,7 điểm của tháng 4 và vẫn thấp hơn so với 87,1 điểm theo dự báo của các chuyên gia.
Tờ South China Morning Post đưa tin yến mạch, sữa bột, hạnh nhân cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp Úc bị hải quan Trung Quốc từ chối thông quan với lý do chất lượng không đảm bảo, có vấn đề về sâu bệnh và nấm mốc.
Gần đây, Bắc Kinh liên tiếp có những động thái gây áp lực lên xuất khẩu của Úc. Điển hình là việc áp thuế trừng phạt 80,5% lên yến mạch và cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà sản xuất lớn của Úc.
Thêm vào đó, Bloomberg đưa tin Trung Quốc có thể hạn chế hoặc tiếp tục áp thuế đối với nhiều mặt hàng khác của Úc như rượu vang, sữa, hải sản, nhằm trả đũa Sydney từng hoài nghi Bắc Kinh đã không minh bạch khi xử lý dịch.