Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 6-10/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 9/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/4 |
Tổng quan
Cuối tuần qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung OPEC+) đã nhất trí thỏa thuận cắt giảm sản lượng với điều kiện Mỹ và các nước khác cũng tham gia. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định giá dầu chưa thể hồi phục nhanh chóng khi sản lượng vẫn ở mức vào và nhu cầu dầu vẫn thấp do sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Thỏa thuận cho thấy OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới. Việc giảm sản lượng sẽ lần lượt giảm xuống mức 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến cuối năm nay và 6 triệu thùng/ngày từ đầu năm 2021 kéo dài đến tháng 4/2022.
Đây là đợt cắt giảm sản lượng lịch sử trong ngành dầu mỏ thế giới. Iran, Libya và Venezuela sẽ được miễn cắt giảm sản lượng do lệnh trừng phạt hoặc các khó khăn nội tại.
Mặc dù vậy, thỏa thuận lịch sử này suýt phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ khi vấp phải sự phản đối từ Mexico. Bộ trưởng năng lượng Mexico cho biết trong quá trình đàm phán, Mexico đã đề xuất mức tự cắt giảm 100.000 thùng/ngày trong vòng hai tháng tới, trong khi nước này được yêu cầu cắt giảm 400.000 thùng/ngày.
Đến cuối ngày 12/4, OPEC+ cũng đã cho phép Mexico chỉ cắt giảm 100.000 thùng/ngày để đạt được thỏa thuận. Nga và Mỹ cũng đã bày tỏ ủng hộ thỏa thuận này. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út cũng tuyên bố, Ả Rập Xê-út, Kuwait và UAE đã thỏa thuận tự nguyện giảm thêm 2 triệu thùng ngoài thỏa thuận chung, tuy nhiên thông tin này chưa được xác nhận.
Từ đầu năm tới nay, giá dầu đã giảm hơn 60%. Do sự phong tỏa của các nền kinh tế chủ chốt nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, nhu cầu dầu thô giảm đáng kể.
Trước đó, ngày 5/3, Ả Rập Xê-út kêu gọi các nước OPEC+ cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày vào quý II nhằm bảo vệ giá dầu. Theo thỏa thuận cũ, mức cắt giảm là 2,1 triệu thùng/ngày đến hết năm 2020 do tình hình biến động theo chiều hướng đi xuống của thị trường dầu mỏ.
Tuy nhiên, trong cuộc họp của OPEC và các nước đồng minh ngày 6/3 tại Vienna, Nga đã từ chối mức cắt giảm và cho biết, kể từ ngày 1/4, các nước có thể tùy ý điều chỉnh sản lượng riêng của mình. Đây là động thái cứng rắn của Nga khi quyết chọn một lối đi riêng mình mà không đồng thuận với các đồng minh trong OPEC kể từ năm 2016 khi hai bên bắt tay để đẩy giá dầu lên bằng cách cắt sản lượng dầu từ đó đến nay.
Lập tức, Ả Rập Xê-út thay đổi quan điểm 180 độ bằng cách thúc đẩy OPEC tăng sản lượng dầu ngay sau khi thỏa thuận cũ kết thúc vào cuối tháng 3/2020. Theo đó, Công ty Saudi Aramco sẽ tăng sản lượng từ 12 triệu lên 13 triệu thùng/ngày, Adhoc của UAE cũng tăng sản lượng từ 3 triệu lên 4 triệu thùng/ngày, Kuwait cũng đã nhất trí theo Ả Rập Xê-út tuy chưa khẳng định con số tăng cụ thể là bao nhiêu cho đến tháng 4.
Bất chấp quy mô cắt giảm kỷ lục trong thỏa thuận vừa đạt được, giá dầu thế giới vẫn chưa thể tăng cao trong thời gian tới. Có chuyên gia cho rằng, ngay cả khi OPEC+ và Mỹ có được một thỏa thuận cắt giảm khoảng 10 - 15 triệu thùng/ngày, mức đó vẫn chưa đủ.
Theo Hãng tin Reuters, nhu cầu nhiên liệu trên thế giới đã giảm khoảng 30 triệu thùng/ngày, tương đương 30% nguồn cung toàn cầu hiện nay. Nhu cầu về dầu mỏ tiếp tục giảm khi nhiều quốc gia thực thi chính sách ở nhà, các chuyến bay bị hủy và các ngành công nghiệp chính đóng cửa trong một chiến dịch toàn cầu nhằm ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19.
Goldman Sachs dự đoán dầu thô Brent vẫn sẽ ở mức khoảng 20 đôla/thùng trong thời gian tới và chỉ bắt đầu tái cân bằng vào năm 2021 với mục tiêu giá 55 đôla/thùng năm tới.
Có chuyên gia cho rằng, ngay cả với kịch bản tốt nhất, khi có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả chống lại dịch bệnh, các gói kích thích thành công, một giải pháp để chấm dứt cuộc chiến giá dầu, thì cũng không có nghĩa là dầu sẽ trở về mức 60 USD+, mà một mức giá 40 USD+ sẽ là một kỳ vọng hợp lý trong năm nay.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 6-10/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chủ yếu theo xu hướng giảm. Chốt phiên cuối tuần 10/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.221 VND/USD, giảm mạnh 18 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.650 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tăng ở các phiên đầu tuần, sau đó giảm trở lại. Kết thúc phiên 10/04, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.435 VND/USD, giảm nhẹ 5 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên 10/04, tỷ giá tự do giảm 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.620 - 23.720 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ ngày 6-10/4, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh trở lại qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 10/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 1,97% (-1,58 điểm phần trăm); 1 tuần 2,32% (-1,23 điểm phần trăm); 2 tuần 2,57% (-1,01 điểm phần trăm); 1 tháng 2,87% (-0,78 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng cũng giảm mạnh ở các kỳ hạn qua tất cả các phiên. Cuối phiên 10/04, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 0,64% (-0,82 điểm phần trăm); 1 tuần 0,89% (-0,61 điểm phần trăm); 2 tuần 1,0% (-0,56 điểm phần trăm) và 1 tháng 1,27% (-0,39 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 6-10/4, Ngân hàng Nhà nước giảm chào thầu trên kênh cầm cố xuống mức 19.000 tỷ đồng, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất chào thầu giữ ở mức 3,5%. Chỉ có 4.656 tỷ đồng trúng thầu trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 4.656 tỷ đồng ra thị trường qua kênh cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này lên mức 25.493 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức gần 147.000 tỷ đồng. Khối lượng này sẽ bắt đầu đáo hạn từ ngày 20/4/2020.
Thị trường trái phiếu trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm và 20 năm gọi thầu 500 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng/kỳ hạn.
Kết quả, Kho bạc Nhà nước huy động được 32/500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ ở kỳ hạn 20 năm, lãi suất 3% - không thay đổi so với phiên trước. Các kỳ hạn còn lại đấu thầu thất bại. Vùng lãi suất đặt thầu tiếp tục tăng từ 0,2 - 0,7% tùy từng kỳ hạn so với tuần trước đó.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.455 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 12.922 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh so với tuần trước đó. Chốt phiên 10/4, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,15% (-0,36 điểm phần trăm); 2 năm 2,24% (-0,41 điểm phần trăm); 3 năm 2,33% (-0,45 điểm phần trăm); 5 năm 2,61% (-0,34 điểm phần trăm); 7 năm 2,81% (-0,46 điểm phần trăm); 10 năm 3,14% (-0,28 điểm phần trăm); 15 năm 3,20% (-0,34 điểm phần trăm); 30 năm 3,58% (-0,16 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến tích cực trong tuần vừa qua khi cả 3 sàn tràn ngập sắc xanh. Chốt phiên cuối tuần 10/4, VN-Index đứng ở mức 757,94 điểm, tăng mạnh 56,14 điểm (+8,0%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 8,34 điểm (+8,52%) lên 106,18 điểm; UPCOM-Index tăng 1,49 điểm (+3,03%) lên mức 50,63 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng tích cực so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 4.800 tỷ đồng/phiên. Điểm tiêu cực là khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị hơn 1.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Các tổ chức lớn thế giới đưa ra dự báo không lạc quan trong tuần qua. Cụ thể, World Bank ngày 12/4 dự báo kinh tế Ấn Độ và quốc gia Nam Á khác có thể ở mức tệ nhất 4 thập kỷ do dịch Covid-19.
Ấn Độ được WB chú ý vì là nền kinh tế lớn nhất khu vực, và có thể sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1,8% - 2,8% trong năm nay.
Nghiêm trọng hơn, WB cảnh báo nếu tình trạng phong tỏa bị kéo dài thì có khả năng khu vực Nam Á sẽ rơi vào suy thoái kinh tế và sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi.
Ngoài World Bank, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo dịch Covid-19 sẽ làm mất khoảng 195 triệu việc làm trên khắp thế giới, tính đến hết quý 2/2020.
Trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 125 triệu việc làm biến mất. Các khu vực còn lại như Châu Mỹ, Phi, Âu, Trung Á… chỉ mất khoảng 24 cho đến 8 triệu việc làm.
Cho tới thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã lây lan cho khoảng 1,8 triệu người trên thế giới trong đó có 110 nghìn người tử vong. Các quốc gia đứng đầu về số ca lây nhiễm được phát hiện là Mỹ, Tây Ban Nha và Ý.
Fed tiếp tục tung gói hỗ trợ khổng lồ trong bối cảnh lĩnh vực lao động và nhiều chỉ số kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngày 9/4, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed thông báo sẽ áp dụng gói hỗ trợ tài chính trị giá 2.300 tỷ USD.
Cụ thể, Fed sẽ cho phép các NHTW Mỹ cho các doanh nghiệp nhất định vay với kỳ hạn dài 4 năm, bên cạnh đó cơ quan này sẽ tăng mua trái phiếu của các bang đông dân hoặc bị thiệt hại nghiêm trọng do Covid-19.
Cùng ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh vai trò của Fed là hỗ trợ và đảm bảo sự ổn định trong giai đoạn hoạt động kinh tế đình trệ, quyết định trên sẽ giúp nước Mỹ phục hồi nhanh nhất có thể.
Trước khi có quyết định của Fed, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ tuần kết thúc ngày 4/4 ở mức 6,6 triệu đơn, xấp xỉ với con số 6,87 triệu của tuần trước đó và cũng là mức đơn cao thứ hai trong lịch sử nước này.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 4 được Đại học Michigan khảo sát ở mức 71 điểm, giảm mạnh từ 89,1 điểm của tháng 3 và giảm sâu hơn so với mức 75 điểm theo dự báo.
Ngày 10/10, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết CPI nước này giảm mạnh 0,4% và CPI lõi giảm 0,1% so với tháng trước trong tháng 3; sau khi lần lượt tăng 0,1% và 0,2% ở tháng 2. Điểm tích cực nhỏ trong hàng loạt các chỉ báo là chỉ số giá sản xuất PPI Mỹ chỉ giảm nhẹ 0,2% trong tháng 3, thay vì giảm 0,3% như dự báo.
Kinh tế Anh đón một số chỉ báo quan trọng, đa phần là tiêu cực. Cụ thể, GDP Anh giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước trong tháng 2 sau khi tăng 0,1% ở tháng 1, trái với dự báo tiếp tục tăng 0,1%.
Một phần nguyên nhân GDP giảm do sản lượng xây dựng đã giảm 1,7% so với tháng trước trong tháng 2 sau khi giảm 0,2% ở tháng 1, trái với dự báo tăng 0,3%.
Bên cạnh đó cán cân thương mại của Anh thâm hụt 11,5 tỷ GBP trong tháng 2, tiêu cực hơn nhiều so với mức thâm hụt 5,8 tỷ của tháng 1 và dự báo thâm hụt 6 tỷ.
Giá nhà tại nước này được Halifax cho biết không thay đổi trong tháng 3 (0,0% so với tháng trước), trái với dự báo tiếp tục tăng lên 0,2% như đã đạt được trong tháng 2.
Điểm sáng của kinh tế hiếm hoi của Anh trong tháng 2 là sản lượng sản xuất tăng 0,5% so với tháng trước sau đà tăng 0,4% ở tháng 1, cao hơn dự báo chỉ tăng 0,2%.