Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 7-11/12
Tổng quan
Mặc dù đã mất 3 năm trước đó cũng như gần 1 năm kể từ khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh Châu Âu EU cuối tháng 1 vừa qua mà chưa đạt được thỏa thuận thương mại, EU và Anh vẫn quyết tâm đàm phán liên tục trong giai đoạn cuối tháng 12 này, nỗ lực để đạt được sự đồng thuận cuối cùng trước thời hạn 01/01/2021.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10/12 cho biết "nhiều khả năng" Anh và Liên minh châu Âu EU sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Nhà lãnh đạo Anh đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh hai bên đã nhất trí chọn ngày 13/12 để đưa ra quyết định cuối cùng cho việc đàm phán thỏa thuận hậu Brexit. Theo các chuyên gia, khả năng đạt được đột phá là rất thấp, do Nội các Anh coi dự thảo thỏa thuận mà EU đưa ra là “không thể chấp nhận được”.
Hiện hai bên vẫn bất đồng về 3 nội dung cốt lõi về quyền đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng và giải quyết tranh chấp. Trong dự thảo mới nhất đưa ra ngày 10/12, EU muốn hai bên tiếp tục vào đánh bắt cá trong vùng biển của nhau trong 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2021, và duy trì dịch vụ đường không, đường bộ, vận chuyển hàng hóa trong vòng 6 tháng cũng từ thời hạn trên. Tuy nhiên, phía Anh không chấp nhận.
Cùng ngày, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố đã đề ra các biện pháp ứng phó trong trường hợp EU và Anh không đạt được thỏa thuận thương mại vào ngày 31/12. Chủ tịch Von der Leyen cho biết mặc dù các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra nhưng trong bối cảnh giai đoạn chuyển giao sắp kết thúc, không gì có thể đảm bảo việc EU và Anh đạt được thỏa thuận và nó có hiệu lực kịp thời. Bà nhấn mạnh trách nhiệm của EU là chuẩn bị cho mọi khả năng xảy ra, kể cả việc không có thỏa thuận thương mại vào ngày 01/01/2021. Các biện pháp này sẽ đảm bảo hoạt động đi lại hàng không và đường bộ giữa Anh và EU được thông suốt trong 6 tháng tới, nếu như Anh nhất trí. Kế hoạch này cũng giúp duy trì quyền đánh bắt cá đến cuối năm sau, khi Anh và EU cho phép các tàu vào lãnh hải của nhau.
Tin mới nhất, ngày 13/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ra một tuyên bố chung, nêu rõ Anh và EU đã yêu cầu các nhà đàm phán của hai bên tiếp tục làm việc để cố gắng đạt được nhất trí về các vấn đề bất đồng, cho thấy sự mong muốn của cả 2 bên về một Brexit có thỏa thuận.
Nếu không thể có một thỏa thuận “Hậu Brexit”, Anh sẽ chia tay với thị trường chung và liên minh thuế quan của EU mà không có một thỏa thuận thỏa mãn cả hai bên, kéo theo đó có thể sẽ là những xáo trộn ngoài mong đợi. Khi còn là thành viên EU, Anh là một phần của hệ thống thương mại liền mạch, bao gồm một thị trường chung quy mô 450 triệu người tiêu dùng châu Âu. EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm khoảng 43% kim ngạch xuất khẩu của Anh.
Nếu không đạt được thỏa thuận mới, tính từ ngày 1/1/2021, thương mại giữa Anh và EU sẽ trở lại tuân theo sự điều chỉnh của các quy định và các mức thuế quan được Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thiết lập năm 1995. Anh sẽ phải bắt đầu trả thuế cho hàng nhập từ EU và ngược lại. Tăng thuế đánh vào thực phẩm có thể sẽ đẩy giá lương thực lên cho người tiêu dùng ở Anh. Theo Tập đoàn Bán lẻ nước Anh, các siêu thị có thể phải chịu khoản chi phí bổ sung 3,1 tỷ GBP, tương đương 4,1 tỷ USD mỗi năm, do khoảng 85% thực phẩm nhập từ EU bị đánh thuế tối thiểu 5%. Hàng may mặc, động vật và các sản phẩm từ động vật, cùng thực phẩm và đồ uống nằm trong số những danh mục hàng nhập khẩu dự kiến giá cả sẽ tăng cao nhất, thậm chí được dự báo tăng tối thiểu 20%.
Các nhà sản xuất ô tô của Anh sẽ đối diện với khoản thuế 10% đánh vào toàn bộ ô tô xuất khẩu sang khối nước EU, tương ứng với 6,92 tỷ USD mỗi năm, trong khi đó, các nhà xuất khẩu sản phẩm sữa tại Anh đang nghiên cứu khoản thuế 35,4% đánh vào các hàng hóa của họ. Không chỉ vậy, Anh cũng sẽ bị gián đoạn một số thị trường. Trong đó, ngành dịch vụ của Anh, vốn chiếm khoảng 80% GDP của nước này, sẽ mất đi quyền phục vụ các khách hàng EU. Để duy trì quyền tiếp cận với thị trường này, các công ty có thể buộc phải thành lập các văn phòng tại EU, và thực tế là một số đơn vị đã làm như vậy. Nhiều doanh nghiệp khác có thể sẽ phải được các cơ quan chức năng trong EU đánh giá và công nhận lại các phẩm chất nghề nghiệp nếu còn muốn tiếp tục hoạt động tại thị trường EU. Một vấn đề nữa là Anh cũng sẽ bị tách khỏi thị trường năng lượng của EU. Nhà cung cấp các dịch vụ tài chính có trụ sở tại Đức là Allianz dự báo Anh sẽ phải chịu mức tăng giá cả nhập khẩu nói chung khoảng 15%, mà nguyên nhân là do các khoản thuế suất cao hơn, cùng với đó là dự báo giá trị đồng bảng Anh giảm 10%, các rào cản hành chính và chuỗi cung ứng gia tăng… Các chuyên gia phân tích dự báo GDP của Anh sẽ giảm 5% và tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 15%.
Ở chiều ngược lại, Brexit không thỏa thuận sẽ tách EU khỏi một thị trường khoảng 65 triệu người tiêu dùng Anh, khiến khối nước bị ảnh hưởng kim ngạch xuất khẩu thường niên lên đến 33 tỷ EUR. Trong đó, những quốc gia tổn thất nhiều nhất phải kể đến Đức (8,2 tỷ EUR), Hà Lan (4,8 tỷ EUR) và Pháp (3,6 tỷ EUR), mỗi nước này chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu từ EU sang Anh. Kịch bản Brexit “cứng” cũng mang lại câu trả lời tiêu cực đối với câu hỏi liệu EU có được phép tiếp tục tiếp cận các vùng đánh bắt cá của Anh nữa không. Dù những ảnh hưởng về thương mại nói chung có thể không lớn, song việc này sẽ đe dọa đến sinh kế của những cộng đồng duyên hải châu Âu vốn dĩ phụ thuộc vào nghề cá. Các nền kinh tế Đông Âu như Ba Lan, trước nay xuất khẩu sang Anh nhiều sẽ phải chịu cú sốc nặng nề.
Những diễn biến này sẽ đặt ra nhiều dấu hỏi về năng lực của các nhà lãnh đạo EU để ứng phó với tình trạng khó khăn. Động thái hỗ trợ giảm nhẹ tác động về kinh tế cho những thị trường bị ảnh hưởng sẽ đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ 27 nước thành viên, mà điều này trên thực tế lại chưa bao giờ dễ dàng, ví dụ như những nỗ lực chưa thành công nhằm thông qua quỹ giảm nhẹ tác động của chủng mới virus Corona vừa qua.
Tóm lược thị trường trong nước từ 07/12 - 11/12
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 07/12 - 11/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm đan xen qua các phiên trong tuần. Chốt phiên 11/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.146 VND/USD, tăng nhẹ 04 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.790 VND/USD.
Tỷ giá LNH chỉ biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên 11/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.130 VND/USD, không thay đổi so với phiên 04/12.
Tỷ giá trên thị trường tự do chỉ biến động 2 phiên đầu tuần, sau đó không thay đổi ở cả 3 phiên còn lại. Chốt tuần 11/12, tỷ giá tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.200 – 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 07/12 - 11/12, lãi suất VND LNH tiếp tục biến động rất nhẹ ở tất cả các kỳ hạn qua cả 5 phiên. Chốt phiên 11/12, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,15% (không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,20% (không thay đổi); 2W 0,25% (-0,02 đpt); 1M 0,38% (-0,01 đpt).
Tương tự, lãi suất USD LNH tiếp tục tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 11/12, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,14 (không thay đổi); 1W 0,19% (-0,01 đpt); 2W 0,25% (+0,01 đpt) và 1M 0,34% (-0,03 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 07/12 - 11/12, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần vừa qua, do đó không xuất hiện khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, KBNN và Ngân hàng Phát triển Việt Nam gọi thầu TPCP với tổng khối lượng gọi thầu đạt mức 14.400 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 09/12, KBNN huy động thành công toàn bộ 7.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Trong đó, khối lượng trúng thầu kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm lần lượt tại 2.500 tỷ đồng, 4.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu từng kỳ hạn lần lượt tại 2,36%/năm (-0,06%); 2,59%/năm (-0,03%); 3,17%/năm (-0,07%). Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động thành công 3.850/6.900 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 56%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.250/3.900 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 2.600/3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,75%/năm (-0,34% so với phiên trước); kỳ hạn 15 năm tại 2,90%/năm (-0,37%). Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 1,59 lần. Trong tuần qua, lượng TPCP đáo hạn là 1 tỷ đồng.
Trong tuần này từ 14/12 - 18/12, KBNN dự kiến gọi thầu 8.000 tỷ đồng (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần này không có TPCP đáo hạn.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos tuần qua đạt trung bình 16.252 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh từ mức 9.564 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Lợi suất TPCP tuần qua biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 11/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,17% (+0,002 đpt); 2 năm 0,26% (không thay đổi); 3 năm 0,39% (-0,02 đpt); 5 năm 1,11% (-0,05 đpt); 7 năm 1,36% (-0,01 đpt); 10 năm 2,40% (+0,01 đpt); 15 năm 2,61% (+0,02 đpt); 30 năm 3,16% (-0,03 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần 07/12 - 11/12 khởi sắc khi cả 3 chỉ số đều kết thúc tuần trong sắc xanh. Chốt phiên cuối tuần 11/12, VN-Index tăng 24,47 điểm (+2,40%) đạt mức 1.045,96 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 9,84 điểm (+6,45%) dừng tại 162,32 điểm; UPCOM-Index tăng nhẹ 0,11 điểm (+0,16%) lên 68,72 điểm.
Thanh khoản thị trường đạt mức rất cao tương tự tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 12.100 tỷ đồng/phiên. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng hơn 401 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Mỹ đón một số thông tin kinh tế trái chiều. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI và CPI lõi của quốc gia này cùng tăng 0,2% m/m trong tháng 11 sau khi cùng đi ngang ở tháng trước đó (0,0% m/m), tích cực hơn dự báo cùng tăng 0,1%. So với cùng kỳ năm 2019, CPI chung tăng 1,2% và CPI lõi tăng 1,6%. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI chung và PPI lõi của Mỹ cùng tăng 0,1% m/m trong tháng 11 sau khi tăng 0,1% và 0,3% ở tháng 10, gần khớp với dự báo tăng 0,2% và 0,1% của các chuyên gia.
Về lĩnh vực việc làm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 05/12 ở mức 853 nghìn đơn, tăng rất mạnh từ mức 712 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời vượt mạnh so với dự báo ở mức 723 nghìn đơn. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ tháng 12 được Đại học Michigan khảo sát sơ bộ ở mức 81,4 điểm, tăng so với 76,9 điểm của tháng 11 và trái với dự báo giảm xuống còn 76,1 điểm. Ngoài các thông tin trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong tuần qua đã đề xuất gói kích thích kinh tế mới trị giá 916 tỷ USD với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, được cho là một trong những nỗ lực cuối cùng nhằm đạt thỏa thuận trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng.
Trong phiên họp cuối năm, NHTW Châu Âu ECB không thay đổi LSCS, nhưng tăng quy mô của các chính sách thu mua tài sản để hỗ trợ thị trường. Cụ thể, ECB quyết định duy trì LS cho vay tái cấp vốn (1W) ở mức 0,0%; LS cho vay cận biên (ON) ở mức 0,25% và LS tiền gửi ở mức -0,50%. Bên cạnh đó, ECB cho biết sẽ tăng quy mô gói Mua hàng khẩn cấp trong đại dịch PEPP thêm 500 tỷ EUR, đưa tổng giá trị của gói lên 1850 tỷ EUR. Điều này đồng nghĩa với thời gian thực hiện gói được kéo dài ít nhất cho tới tháng 03/2021. ECB sẽ duy trì gói này cho tới khi khủng hoảng do dịch Covid-19 kết thúc. Các khoản mua theo PEPP đáo hạn được ECB hứa mua lại cho tới cuối năm 2023.
Tiếp theo, ECB duy trì chương trình thu mua tài sản APP với mức độ 20 tỷ EUR mỗi tháng trong thời gian cần thiết, nhằm củng cố tác động của các LSCS mà NHTW này đề ra. APP sẽ kết thúc trước khi ECB bắt đầu tăng LSCS trở lại. Cuối cùng, ECB khẳng định sẽ sử dụng những công cụ sẵn có để đảm bảo tỷ lệ lạm phát hướng tới mốc mục tiêu 2%. Liên quan đến kinh thế khu vực Eurozone, GDP chính thức tăng 12,5% q/q trong quý 3, được điều chỉnh nhẹ so với mức tăng 12,6% từ thống kê sơ bộ. Ngoài ra, niềm tin kinh tế của khu vực này ở mức 54,4 điểm trong tháng 12, tăng rất mạnh từ mức 32,8 điểm của tháng 11 và vượt mạnh so với dự báo ở mức 37,5 điểm.
Tại Anh, ngoài những thông tin không mấy lạc quan về thỏa thuận Brexit, quốc gia này cũng đón một sô thông tin kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, GDP nước Anh tăng 0,4% m/m trong tháng 10 sau khi tăng 1,1% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia. Tiếp theo, cán cân thương mại nước này thâm hụt 12,0 tỷ GBP trong tháng 10, sâu hơn mức thâm hụt 9,3 tỷ của tháng trước đó, đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 9,6 tỷ theo dự báo. Sản lượng công nghiệp nước Anh tăng 1,3% m/m trong tháng 10, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng 9 và vượt xa so với kỳ vọng chỉ tăng 0,3%. Cuối cùng, sản lượng xây dựng của nước này cũng tăng 1,0% m/m trong tháng 10 sau khi tăng 2,9% ở tháng 11, gần đạt so với dự báo tăng 1,2%.