Định hướng về chuyển đổi LIBOR: Triển vọng cho 2021
Việc chuyển đổi từ Lãi suất tham chiếu liên ngân hàng trên thị trường London (LIBOR) sang Lãi suất phi rủi ro (RFR) sẽ có tác động sâu rộng đối với các ngân hàng trên toàn cầu. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APAC), một số lượng đáng kể ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi việc chuyển đổi LIBOR vì hầu hết các khoản vay lãi suất thả nổi được tính bằng Đô la Mỹ (USD). Các khoản vay bằng đồng Yên Nhật (JPY) cũng chiếm một phần đáng kể trong tổng giá trị chịu rủi ro.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tính đến tháng 3 năm 2020, tổng các khoản USD cần thu hồi ở nước ngoài (cross-border claims) của các ngân hàng APAC đạt hơn 5 nghìn tỷ USD. Hơn nữa, theo Bloomberg, các ngân hàng ở Đông Nam Á có hơn 250 tỷ USD dư nợ trái phiếu với lãi suất thả nổi và các khoản cho vay hợp vốn sẽ đáo hạn sau năm 2021. Đối với Việt Nam, con số là gần 58 tỷ USD.
Vì lẽ đó, việc xúc tiến triển khai các chương trình chuyển đổi LIBOR trở nên cấp thiết đối với các ngân hàng ở Đông Nam Á.
Cơ quan Giám sát Tài chính FCA, cơ quan quản lý tại Vương quốc Anh, đã chính thức thông báo về việc ngừng hoạt động và sử dụng các lãi suất LIBOR trong tương lai. Thông báo đưa ra sau kết quả tham vấn của cơ quan giám sát lãi suất tham chiếu Libor (IBA), cơ quan quản lý LIBOR. Cân nhắc về tiến trình dự kiến cho việc ngưng sử dụng LIBOR, sau đây là tổng hợp một số quan điểm và khuyến nghị cho các ngân hàng trong tương lai khi họ chuyển hướng từ LIBOR sang RFR.
Bức tranh toàn cảnh khu vực Đông Nam Á
Việc chuyển đổi từ LIBOR sang RFR là một quy trình phức hợp liên quan đến các cơ quan quản lý, người cho vay và khách hàng. Trong đó, một số điểm cần xem xét chính cho mỗi nhóm liên quan có thể kể đến:
Từ góc độ của cơ quan quản lý, một cân nhắc quan trọng là làm thế nào để thúc đẩy thị trường chuyển từ LIBOR sang RFR. Các cơ quan quản lý đã đưa ra lưu ý rằng việc chuyển đổi khỏi LIBOR nếu thiếu lộ trình, không nhất quán có thể gây ra bất ổn tài chính và làm giảm sự an toàn cũng như tính vững mạnh của các ngân hàng. Các cơ quan quản lý ở một số lãnh thổ trên toàn khu vực Châu Á Thánh Bình Dương (APAC) đã yêu cầu các công ty ngừng các giao dịch mới dựa trên LIBOR trong năm nay, dự kiến một số công ty sẽ ngừng phát hành LIBOR vào tháng 6 năm 2021 trong khi các công ty khác đặt mục tiêu vào tháng 12 năm 2021.
Từ quan điểm của người cho vay, các ngân hàng trên toàn cầu đang tập trung vào tám lĩnh vực chuyển đổi: (i) phát hành sản phẩm mới, (ii) điều chỉnh về CNTT, (iii) điều chỉnh hợp đồng, (iv) tiếp cận khách hàng, (v) rủi ro đạo đức nghề nghiệp, (vi) tác động từ thuế và kế toán, (vii) rủi ro và các mô hình kiểm định, và (viii) điều chỉnh nguồn vốn.
Từ quan điểm của khách hàng, việc nhận được thông tin rõ ràng, hiệu quả và kịp thời từ người cho vay là rất quan trọng để họ có thể đưa ra các quyết định sáng suốt.
Quan sát từ thị trường Việt nam
Trong bối cảnh thị trường Việt Nam, chúng tôi quan sát thấy rằng một số ngân hàng lớn trong nước có giá trị chịu rủi ro đáng kể liên quan tới chỉ số IBOR trong nước. Trong khi chờ thông báo chính thức, các ngân hàng đã bắt đầu đưa ra những đánh giá tổng quan về giá trị chịu rủi ro của họ. Các chi nhánh nước ngoài của các ngân hàng toàn cầu có giá trị chịu rủi ro hạn chế đối với các chỉ số IBOR địa phương.
Tại thời điểm của bài viết này, Refinitiv, cơ quan quản lý ba chỉ số IBOR chính của Việt Nam - VND VNIBOR, USD VNIBOR và VNDFX Tỷ giá tham chiếu - đang lên kế hoạch ban hành Tỷ giá phi rủi ro VND mới, VNONIA vào năm 2021. (*)
Triển vọng và khuyến nghị cho năm 2021
Cơ quan quản lý giám sát LIBOR, FCA, đã công bố thời hạn rõ ràng cho việc ngừng sử dụng và chấm dứt tính đại diện của LIBOR. Thông báo này giúp loại bỏ sự không chắc chắn xung quanh sự sụp đổ của LIBOR.
FCA lưu ý rằng họ sẽ “xem xét trường hợp” sử dụng các quyền hạn được đề xuất theo luật quy định tham chiếu của Vương quốc Anh để yêu cầu tiếp tục công bố cho USD LIBOR 1, 3 và 6 tháng trên một cơ sở tổng hợp (synthetic basis) sau ngày 30 tháng 6 năm 2023. |
Với thời điểm kết thúc của LIBOR đang cận kề, các ngân hàng cần chủ động trước thời hạn thực thi. Ngay từ bây giờ, có hai khuyến nghị chính đối với các ngân hàng để chuẩn bị tốt hơn cho việc ngừng sử dụng LIBOR.
Thứ nhất, điều quan trọng là cần nắm rõ các rủi ro của việc ngừng sử dụng LIBOR cũng như đề ra các kế hoạch giải quyết, và bắt đầu phân công nhân lực phù hợp trong tổ chức, bao gồm cả quản lý cấp cao. Quá trình này sẽ cần được thúc đẩy bởi các đơn vị kinh doanh.
Thứ hai, cân nhắc các mốc thời gian, đã đến lúc các ngân hàng phải nắm rõ những lỗ hổng trong hệ thống, hợp đồng và giải quyết những lỗ hổng này càng sớm càng tốt. Nhìn chung, các bên tham gia thị trường đang nỗ lực để đạt được những cột mốc quan trọng này.
Khi toàn bộ thị trường tiếp tục triển khai việc chuyển đổi, tính thanh khoản của LIBOR sẽ dần giảm đi. Do đó, nếu không dừng việc phát hành LIBOR và không khắc phục được các rủi ro hiện có liên quan tới LIBOR có thể tạo ra sự không chắc chắn về mặt pháp lý và hoạt động - khi LIBOR biến mất, các khoản vay không thể được thiết lập lại và các ngân hàng lo ngại về những kiện tụng có thể xảy ra với khách hàng.
Vì lý do này, có thể thấy các ngân hàng trong khu vực APAC đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào LIBOR và ngừng phát hành các sản phẩm LIBOR càng sớm càng tốt. Đối với các hợp đồng hiện có, các ngân hàng đang xem xét lại các hợp đồng, tiếp cận khách hàng và thảo luận về các sửa đổi để chuyển đổi trước khi LIBOR bị ngưng sử dụng.
(*) Thông tin cung cấp bởi Refinitive trong Webinar "A Local Market Perspective - VIETNAM IBOR TRANSITION" vào ngày 17 tháng 11 năm 2020.