Doanh nghiệp bổ sung đãi ngộ để thu hút lao động
Doanh nghiệp giữ chân người lao động |
Đơn hàng tăng nhưng lao động giảm
Sự trở lại ngoạn mục của các đơn hàng phải kể đến ngành thủy sản, trong đó có doanh nghiệp chế biến cá tra nhờ những tín hiệu tích cực từ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ, tất cả đơn hàng đều được ký với giá cao.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, sau Tết doanh nghiệp có khoảng 30% số lao động nghỉ việc vì nhiều lý do và đang muốn tuyển thêm 1000 lao động để chuẩn bị cho thời gian tới. Việc tuyển dụng phải diễn ra sớm vì còn phải đào tạo thêm cho người lao động trong khoảng 2 tháng mới có thể làm việc thành thục.
Nhiều doanh nghiệp bỏ ra một khoản chi phí để tăng mức đãi ngộ tốt cho người lao động. |
Ông Nguyễn Trọng Sáng - chủ doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tại Bắc Giang cũng cho biết, cái khó hiện nay là một số lao động có tay nghề cao sau Tết đã xin nghỉ, số còn lại khó tiếp cận với công nghệ sản xuất mới. Điều này ảnh hưởng đến năng lực sẵn sàng cho những đơn hàng lớn trong những năm tới của doanh nghiệp. Tình trạng này còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp khác.
Không chỉ các ngành sản xuất, nhiều lĩnh vực khác cũng đang tích cực tuyển dụng lao động. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, doanh nghiệp tại một số nhóm ngành khác cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn như vận tải – logistics; dịch vụ nhà hàng - khách sạn, du lịch; kinh doanh bất động sản; dịch vụ tài chính, ngân hàng; công nghệ - thông tin… với tổng số nhu cầu tuyển dụng khoảng 100.000 - 120.000 lao động.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong thời gian này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, thành phố đã thường xuyên tổ chức "Ngày hội việc làm"; Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các Khu công nghiệp cũng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc truyền thông các thông tin tuyển dụng lao động trên mặt báo, website của ngành, địa phương, mạng xã hội…; một số Trung tâm dịch vụ việc làm đã tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, trong đó, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để người lao động dễ dàng tìm việc hơn…
Chẳng hạn, tại phiên giao dịch việc làm vừa qua do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng tổ chức đã có 82 doanh nghiệp đăng ký tham gia, có hơn 4.850 vị trí việc làm chờ đợi người lao động; Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm trong tháng 1 với 498 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với tổng số nhu cầu tuyển dụng là trên 10 nghìn lao động.
Thêm nhiều chính sách đãi ngộ tốt
Để thu hút được nguồn lao động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bổ sung thêm các chính sách đãi ngộ tốt hơn. Đơn cử tại Công ty TNHH H&S Tech (Bắc Ninh), nếu như trước đây doanh nghiệp trả lương 7,5 triệu đồng/tháng/lao động thì sau Tết, tiền lương của mỗi công nhân đã tăng thấp nhất là thêm 500 nghìn đồng ngoài ra doanh nghiệp còn bổ sung 1000 chỉ tiêu tuyển dụng mới với mức lương hấp dẫn.
Tương tự, tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP. Hồ Chí Minh), không ít doanh nghiệp tuyển dụng số lượng lớn lao động với nhiều chính sách tốt về lương, thưởng và đãi ngộ cao như Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Việt Nam (FAPV) tuyển 300 công nhân nữ với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, mỗi năm tăng lương một lần, miễn phí cơm trưa, tăng ca; hay với mức lương từ 8-11 triệu đồng Công ty TNHH Đại Việt cũng đang cần hơn 100 lao động, được hưởng lương và đầy đủ các chế độ bảo hiểm, nghỉ phép, nghỉ lễ (12 ngày phép, 11 ngày lễ), đài thọ cơm trưa và chiều, thưởng năng suất, lương tháng 13, phụ cấp nhà ở và đi lại…
Theo các chuyên gia, để thu hút và “giữ chân” người lao động thì việc bỏ ra một khoản chi phí để tăng mức đãi ngộ tốt cho người lao động là chưa đủ. Doanh nghiệp còn cần tạo điều kiện cho người lao động duy trì công ăn việc làm ổn định, có niềm tin về triển vọng nghề nghiệp; tạo điều kiện cho lao động được học hỏi kiến thức, nâng cao tay nghề thông qua các buổi đào tạo chuyên sâu hay các chuyến đi học thực tế...