Thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may - da giày
Cổ phiếu dệt may vượt khó | |
Một số mặt hàng dệt may xuất khẩu sang EAEU có nguy cơ vượt ngưỡng | |
Ngành dệt may: Linh hoạt để đáp ứng nhanh với thay đổi |
Năm 2020 chứng kiến những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế và các chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc đối với các tập đoàn đa quốc gia theo hướng tăng tỷ lệ nội địa hoá để phân tán rủi ro. Những thay đổi này tạo ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các DN phải tự chủ và năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội.
Nhận thức sớm rằng phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Với những kết quả nhất định sau một thời gian thực hiện, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách ưu đãi ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này trong nước.
Việc phát triển các cụm công nghiệp dệt may - da giày cần được chú trọng |
Ngày 6/8/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặt mục tiêu đến năm 2025, DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết.
Không thể phủ nhận ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định, giữ vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng nhìn rộng ra, ngành này hiện vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô và năng lực cạnh tranh của các DN Việt trong ngành còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Trong đó, liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ.
Do đó, việc thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa DN Việt Nam với các DN đa quốc gia, các công ty cung ứng, DN đầu chuỗi trong nước và quốc tế; nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu là các giải pháp quan trọng nhất. Thêm nữa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước cũng là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững nền công nghiệp Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, dệt may sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết và đang tham gia. Tuy nhiên, theo chính các DN trong ngành chia sẻ, họ đang đứng trước thực tế khó được hưởng lợi từ các hiệp định như EVFTA, hay RCEP vì không đảm bảo được quy tắc xuất xứ do nguyên phụ liệu của dệt may vốn vẫn phải nhập khẩu đến 60% .
Thực trạng thiếu các chuỗi dệt nhuộm trong nước đã buộc 90% sản lượng sợi của Việt Nam sản xuất ra hiện phải xuất khẩu mà không thể dùng để sản xuất trong nước.
Thực tế trên cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may - da giày Việt Nam còn rất thấp. Muốn có giá trị gia tăng cao, DN trong ngành phải chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự chủ từ nguyên liệu, thiết kế, sản xuất đến bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hiệu riêng). Song, thực hiện việc này không hề dễ dàng. Bởi các hình thức ODM hay OBM hiện vượt xa năng lực của đa số DN Việt Nam về cả vốn lẫn quản trị. Trong khi đó, thực hiện FOB cũng không bao giờ là đơn giản.
Để tạo thành chuỗi giá trị, các DN phải liên kết theo chiều dọc, tức là tập hợp nhiều DN sản xuất nguyên phụ liệu của ngành về một nơi để cung cấp cho nhà sản xuất, chuyên gia nêu quan điểm.
Đồng thời, về phía DN, để nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn lên trong chuỗi giá trị dệt may, da giày toàn cầu, rất cần mạnh dạn đầu tư vào máy móc thiết bị để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tiếp thị, đảm nhận được các khâu có giá trị gia tăng cao từ xây dựng thương hiệu, thiết kế, đến tự chủ về nguyên liệu và bán thành phẩm.