Doanh nghiệp du lịch vướng quy định thuế
TP. Hồ Chí Minh tạo sự khác biệt trong du lịch đường thủy Hội chợ Du lịch quốc tế thúc đẩy thị trường khách quốc tế, kết nối doanh nghiệp |
Cụ thể, theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ (hiệu lực từ 1/7/2022), tại điều 9 của Nghị định quy định rõ về thời điểm lập hóa đơn đối với việc cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ, không phân biệt là đã thu tiền hay chưa.
Tuy nhiên với đặc thù riêng của ngành du lịch thì quy định này lại đang gây không ít khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là đối với các du khách mua tour theo đoàn, tổ chức hội nghị. Bởi ngày kết thúc tour, hoàn thành việc cung cấp dịch vụ thì vẫn cần phải có thời gian, độ trễ nhất định để khách đoàn về tập hợp, kiểm tra lại sau đó mới có thể thanh, quyết toán với công ty du lịch. Điều này dẫn đến việc khi cơ quan thanh tra thuế tiến hành kiểm tra sẽ có sự sai lệch trong việc xuất hóa đơn so với thời điểm kết thúc dịch vụ.
Doanh nghiệp du lịch hiện không được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% |
Ngoài ra, cũng liên quan đến khó khăn trong việc tuân thủ đúng quy định về thuế là do hiện nay các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tăng cường khai phá những điểm du lịch mới, đa dạng nơi vùng sâu vùng xa để đem đến nhiều trải nghiệm lý thú, mới lạ cho du khách trong và ngoài nước. Song khi đến những địa điểm này, do hạ tầng chưa có sự đồng bộ, việc tuân thủ thực hiện các quy định luật pháp chưa rõ ràng nên khiến không ít doanh nghiệp dẫn tour, làm tour “khóc dở, mếu dở” vì khi về không thể thanh toán chi phí, dịch vụ để được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi hợp lý, hợp lệ, do không đầy đủ hóa đơn, chứng từ, cho dù đây là những khoản chi thực tế của doanh nghiệp.
Cũng liên quan đến vấn đề thuế, không ít doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành rất “thắc mắc”, chi phí vận chuyển, xăng dầu nguyên liệu hiện đang chiếm 40 - 50% chi phí giá thành trong hoạt động của doanh nghiệp du lịch, dẫn tour dường dài, nhưng hiện không được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, để đón được nhiều du khách hơn, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh cần tận dụng các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ, cần khai thác mạnh thị trường khách có kết nối hàng không hiệu quả như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… Đẩy mạnh khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng như Ấn Độ, Trung Đông và hưởng ứng tích cực các chương trình kích cầu chung trên địa bàn trong những tháng cuối năm.
Theo Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh, tính chung 8 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch thành phố đón hơn 2,71 triệu lượt khách. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng tới 92,3% và đạt 54,3% so với kế hoạch cả năm. Lượng khách quốc tế đến thành phố hiện chiếm gần 30% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Tổng thu du lịch trong 8 tháng năm 2023 ước đạt 106.020 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lượng khách tìm kiếm thông tin và đăng ký ở cả khối lữ hành và khối khách sạn đã tăng khoảng 20 - 30%. Dự báo, từ tháng 9 đến cuối năm nay sẽ có sự tăng trưởng mạnh ở cả mảng khách quốc tế lẫn nội địa. |
Ngoài ra, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, hiện nay doanh nghiệp du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn như các nước trong diện được miễn visa theo quy định còn chưa nhiều, dẫn đến các tour từ các thị trường trọng điểm, thị trường mới có tiềm năng vẫn mất chi phí cao, tốn nhiều thời gian làm thủ tục. Do vậy, lượng khách này dần dần chuyển sang các thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong lĩnh vực du lịch như Thái Lan, Singapore.
Vì vậy, các quy định, chính sách về visa cần được mở rộng hơn nữa. Đồng thời, các cơ quan chức năng thành phố cần có giải pháp, hoặc kiến nghị với Chính phủ, với các bộ ngành có liên quan để có cơ chế thông thoáng hơn, giải quyết một cách hiệu quả những khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch giai đoạn hiện nay.