Để giá điện phù hợp với yêu cầu phát triển
Nhiều quy định chưa phù hợp
Điểm đáng chú ý nhất của dự thảo quyết định này nằm ở Điều 5 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán theo quy định tại Khoản 1 Điều này giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng nhưng không thấp hơn mức giá tối thiểu của khung giá và điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán theo quy định tại Khoản 1 Điều này tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Trong khi theo Quyết định 24, khi các thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Việt Nam đang hướng tới điều hành giá điện theo tín hiệu thị trường |
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán theo quy định tại Khoản 1 Điều này tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Các chuyên gia pháp luật cho rằng, việc đưa ra các quy định như dự thảo chưa tường minh bởi khi các thông số đầu vào của tất cả các khâu giảm thì ban soạn thảo không đưa ra mức giảm cụ thể bao nhiêu phần trăm thì EVN phải giảm giá bán điện, còn khi các thông số đầu vào tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN lại được quyết định tăng giá.
Về thẩm quyền, quy định như dự thảo quyết định rõ ràng đã trao thẩm quyền cho EVN, có toàn quyền quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện.
Điều này chưa phù hợp với Luật Giá 2012 khi quy định điện là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống thuộc diện thực hiện bình ổn giá. Điều 19, Luật Giá cũng quy định, nhà nước định mức giá cụ thể đối với điện, gồm: giá truyền tải điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; định khung giá đối với: giá phát điện; giá bán buôn điện; mức giá bán lẻ điện bình quân…
Về thẩm quyền và trách nhiệm định giá, Luật Giá quy định: Thủ tướng Chính phủ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện…
TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, giá điện hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng và những thay đổi của nó sẽ tác động rất lớn các mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, giá điện nằm trong danh mục bình ổn và do nhà nước định giá.
Gỡ khó cho EVN
Tại hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia được tổ chức gần đây, EVN cho biết trong năm 2022 đơn vị này gặp khó khăn rất lớn. Những tháng đầu năm, EVN đã ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 16.500 tỷ đồng. Vậy nguyên nhân do đâu và các quy định như dự thảo có giúp EVN thoát khỏi các khoản lỗ trong tương lai hay không?
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, Dự thảo quyết định này được ban hành nhằm áp dụng cơ chế điều hành giá điện linh hoạt hơn theo cơ chế thị trường, cũng nhằm giảm bớt khoản lỗ của EVN khi chi phí đầu vào tăng nhưng giá đầu ra chưa được điều chỉnh và gây ra các khoản lỗ. EVN là một doanh nghiệp nhà nước, do vậy khi kinh doanh thua lỗ, EVN cần phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước để có những phương án xử lý.
“Là doanh nghiệp nhà nước, nhưng nếu lỗ lớn và lỗ kéo dài, chắc chắn hoạt động kinh doanh sẽ gặp khó khăn, thậm chí phải đối mặt với tình trạng phá sản. Nên đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, phải cùng với EVN tìm phương pháp xử lý. Còn việc lỗ do đâu thì phải xem báo cáo tài chính và phải kiểm soát lại xem có đúng hay không, tránh trường hợp thua lỗ do gộp cả phần lỗ do kinh doanh ngoài ngành gây ra như trước đây…”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Gần đây chúng ta cũng ít phải nhập khẩu điện mà trong nước có thể tự chủ được nguồn cung, đặc biệt hiện nay nước ta đang có một nguồn rất lớn điện gió, điện mặt trời chưa được tận dụng triệt để. Hiện đang thiếu một cơ chế tận dụng nguồn điện này để giảm giá thành bởi thiếu hệ thống truyền tải và cơ chế hiệp thương giá.
Để quy định giá điện như thế nào cho phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, về mặt mục tiêu, vẫn phải cố gắng và bắt đầu tiến tới điều hành theo giá thị trường. Tuy nhiên, giá điện vẫn cần phải do Nhà nước kiểm soát, kể cả việc định giá điện bán lẻ, bởi lẽ giá điện tác động đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh. EVN thậm chí có những thời điểm phải chấp nhận tạm thời chịu lỗ để duy trì ổn định vĩ mô, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.