Trao quyền cho EVN thay đổi giá điện có phù hợp?
Trong đó nhấn mạnh, với mục tiêu hoàn thiện các cơ chế chính sách hướng tới việc phát triển năng lượng quốc gia nói chung và ngành điện nói riêng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh minh bạch theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020, Bộ Công Thương xây dựng Dự thảo này nhằm khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong quy định hiện hành tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Một là khắc phục vướng mắc về tần suất điều chỉnh giá điện. Quyết định số 24/20017/QĐ-TTg quy định giá điện được điều chỉnh với thời gian tối thiểu là 6 tháng 1 lần. Dự thảo sửa đổi tần suất điều chỉnh giá điện để phù hợp với thực tế và thuận tiện trong triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Cùng với đó, các nội dung về hồ sơ, phương pháp tính toán, số liệu sử dụng, thời gian, trình tự, thủ tục và trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc lập, thẩm định, quyết định điều chỉnh và giám sát thực hiện việc điều chỉnh giá bán lẻ điện được quy định cụ thể trong Dự thảo.
Ảnh minh họa. |
Hai là về cơ cấu tổ chức, Chính phủ thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (năm 2018), thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật, thay thế vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương trước đây. Do đó, Dự thảo bổ sung sự tham gia của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong quá trình xem xét, thẩm định điều chỉnh giá điện và kiểm tra giám sát.
Ba là, Dự thảo được sửa đổi phù hợp với cấp độ thị trường bán buôn điện cạnh tranh với cơ chế nhiều người mua - nhiều người bán tham gia cạnh tranh trong thị trường điện.
Về nội dung chính của Dự thảo, nhất là quy định về điều chỉnh giảm giá điện, Dự thảo kế thừa và làm rõ quy định điều chỉnh giảm giá điện khi thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm. Nếu kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào thì EVN phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng, thời gian thực hiện điều chỉnh giảm giá điện từ ngày 1/10 của năm đó.
Về hồ sơ, phương pháp tính toán và số liệu sử dụng, Dự thảo quy định rõ hồ sơ xây dựng phương án giá điện hằng năm. Dự thảo cũng quy định cụ thể về các mốc thời gian, trình tự, thủ tục, trách nhiệm và thẩm quyền trong việc lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hằng năm.
Cụ thể. chu kỳ tính toán và điều chỉnh giá điện được quy định thực hiện 1 lần/năm. Dự thảo quy định rõ trước ngày 1/8 hằng năm, EVN có trách nhiệm tính toán giá bán lẻ điện bình quân của năm căn cứ các số liệu nêu trên và quy định thời điểm điều chỉnh giá điện cố định vào ngày 1/10 hằng năm.
Dự thảo kế thừa quy định hiện hành tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, theo đó EVN được quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân đến mức dưới 5%. Trường hợp khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 5% trở lên thì EVN phải lập hồ sơ báo cáo. Sau khi Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến thì EVN được điều chỉnh tăng giá điện.
Với trường hợp tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến cuối cùng về việc điều chỉnh giá điện để EVN thực hiện.
Kế thừa quy định hiện hành tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, Dự thảo lần này quy định chi tiết hơn việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, kiểm tra điều chỉnh giá điện, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và bổ sung vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ Công Thương, nhằm đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện, Dự thảo đề nghị khi có biến động thông số đầu vào dẫn tới giá điện tính toán tăng từ 1% trở lên thì giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh (thay vì mức 3% như quy định hiện hành)…
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, các chuyên gia pháp luật cho rằng, quy định như dự thảo quyết định rõ ràng đã trao thẩm quyền cho EVN, một doanh nghiệp có toàn quyền quyết định quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, như vậy là chưa phù hợp với Luật Giá 2012, khi quy định điện là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống thuộc diện thực hiện bình ổn giá.
Điều 19, Luật Giá quy định, Nhà nước định mức giá cụ thể đối với điện, gồm: giá truyền tải điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; định khung giá đối với: giá phát điện; giá bán buôn điện; mức giá bán lẻ điện bình quân…
Về thẩm quyền và trách nhiệm định giá, Luật Giá quy định Thủ tướng Chính phủ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện…
TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, giá điện hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng và những thay đổi của nó sẽ tác động rất lớn các mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, giá điện nằm trong danh mục bình ổn và do nhà nước định giá.
“Theo quy định của Luật Giá, thẩm quyền điều chỉnh giá điện được giao cho cơ quan nhà nước chứ không phải giao cho doanh nghiệp, dù EVN có vai trò đặc biệt trong điều hành hoạt động của hệ thống điện ở Việt Nam từ quản lý, truyền tải, đến hệ thống phân phối và bán lẻ điện”, ông Ánh nói và cho biết: “Vì giá điện động chạm đến vấn đề ổn định vĩ mô và kiềm chế, kiểm soát lạm phát nên thẩm quyền điều chỉnh giá điện thuộc người đứng đầu cơ quan Chính phủ là hợp lý. Trên thực tế, người dân, doanh nghiệp cũng không quan tâm lắm về câu chuyện giá điện bình quân mà chỉ quan tâm đến giá bán lẻ cuối cùng. Chính vì vậy, Nhà nước nên nắm thẩm quyền quyết định giá bán lẻ cuối cùng chứ không phải giao thẩm quyền này cho doanh nghiệp”, ông Ánh cho hay.
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, giá cả đầu vào phải tăng từ 3% trở lên mới được thay đổi giá điện, nhưng Dự thảo mới đưa ra quy định với biên độ khá rộng từ 1-5%, EVN đã có quyền thay đổi giá điện. Ở điểm này, ông Ánh cho rằng thẩm quyền quyết định giá điện bán lẻ do cơ quan quản lý nhà nước quyết định thì việc quy định biên độ như vậy là không cần thiết.
“Giá điện do Nhà nước định giá ên thay đổi giá như thế nào là là quyền của Nhà nước”, ông Ánh nói.