Doanh nghiệp “tăng tốc” trên sân chơi EVFTA
Hiện thực hóa những tiềm năng
Sau quá trình 10 năm từ đàm phán, rà soát pháp lý đến phê chuẩn, Hiệp định EVFTA đã chính thức được thực thi kể từ ngày 1/8. Đây được xem là bước ngoặt giữa kinh tế Việt Nam và châu Âu, đồng thời mở ra “cơ hội vàng” cho Việt Nam tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng để bước vào “sân chơi lớn” này với các thời cơ và thách thức rõ rệt hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng để bước vào “sân chơi lớn" |
Trong bối cảnh thế giới đang phải gồng mình vượt qua khó khăn chung và Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong công cuộc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Phó Giáo sư Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra “luồng gió mới” cho ngành công nghiệp Việt Nam. Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%. Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.
“EVFTA cho chúng ta một luồng gió mới, một sự cộng hưởng mới, một tinh thần mới để chúng ta vượt qua những khó khăn hiện nay. Chúng ta đang phải đối phó dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đang quay trở lại Việt Nam”, Phó Giáo sư Trần Hoàng Ngân nhận định.
Từ cuộc trao đổi trực tuyến với gần 50 doanh nghiệp Anh thông qua mạng lưới Việt Nam-UK Network mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An khẳng định, Hiệp định EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020 sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam và Anh.
Đại sứ Trần Ngọc An dẫn chứng, khảo sát lấy ý kiến các doanh nghiệp Anh quan tâm đến thị trường Việt Nam của Phó Chủ tịch Việt Nam-UK Network Paul Smith đã được những người tham dự đánh giá cao vì đây là những vấn đề các doanh nghiệp Anh đang rất quan tâm.
Theo khảo sát này, những lĩnh vực các doanh nghiệp Anh đang quan tâm tìm kiếm hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là những hợp tác theo hướng chuyển giao công nghệ như: thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng, fintech, du lịch, trí tuệ nhân tạo, bảo vệ môi trường và năng lượng tái tạo...
Chủ động “nhập cuộc”
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 có thể coi như một “cứu cánh” cho ngành da giày với kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 quý cuối năm. Hiện EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm xấp xỉ 30% kim ngạch xuất khẩu, với gần 6 tỷ USD/năm.
Nhiều DN chủ động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu để đảm bảo quy tắc xuất xứ, tận dụng tối đa thuế suất ưu đãi từ EU |
Số liệu của Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy, xuất khẩu sang EU năm 2019 đạt 965 triệu USD với mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù và 5,03 tỷ USD với mặt hàng giày dép.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, 37% dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu 0% và phần còn lại sẽ giảm dần từ mức 12,5% xuống 0% theo lộ trình 3 - 7 năm, tùy từng mặt hàng cụ thể. Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực là giày thể thao, giày vải và giày cao su. Đây là các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 có thể sẽ là một “cú huých” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm, nhất là những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, mực bạch tuộc chế biến,...
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhận định, EVFTA sẽ tạo lợi thế cho ngành thuỷ sản gia tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước có FTA với EU như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan.
“Theo nhiều nghiên cứu, sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản sang châu Âu có thể tăng 20% so với trước, khi có lợi thế cạnh tranh hơn các nước bạn. Đơn cử với mặt hàng cá ngừ, thuế suất sẽ về 0%, các đối tác châu Âu sẽ tăng mua cá ngừ Việt Nam thay vì mua từ các thị trường khác có mức thuế suất cao”, ông Hòe cho hay.
Để tận dụng lợi thế từ EVFTA, nhiều doanh nghiệp khá chủ động tìm hiểu và có sự chuẩn bị sẵn sàng, chủ động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu để đảm bảo quy tắc xuất xứ, tận dụng tối đa thuế suất ưu đãi từ EU.
Ông Trần Việt Cường, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất và phân phối Cacao Đồng Nai cho rằng, thuận lợi lớn nhất mà EVFTA đem tới là tốc độ giảm thuế quan rất nhanh. Những cơ hội kinh doanh đang mở ra với điều kiện là doanh nghiệp phải biết nắm bắt, triển khai nhanh, tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp này đang xây dựng một kế hoạch nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU.
Ông Đặng Tuấn Tú, đại diện Công ty Changshin Việt Nam chuyên về sản xuất da giày cho biết, hiện nguồn nguyên liệu sản xuất xuất khẩu chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên theo cam kết của EVFTA, doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi về thuế, hàng hóa phải đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu được sản xuất trong phạm vi các nước thành viên EVFTA hoặc nhập nguyên liệu từ các nước đã có EVFTA với EU.
Chính vì vậy, công ty đã phải ưu tiên nâng tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu vào EU, phần nguyên liệu Trung Quốc chỉ sản xuất cho các thị trường không yêu cầu về nguồn gốc nguyên liệu.
“Từ chỗ nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu thì trong vài năm gần đây, nhờ hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do, một số doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cho ngành da giày đã mở nhà máy ở Việt Nam”, ông Tú thông tin.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp châu Âu cũng gia tăng sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam. Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết, nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất trang thiết bị, máy móc cho ngành dệt may, da giày, năng lượng sạch, chế biến thực phẩm… đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương lưu ý, nếu EVFTA được ví như “tuyến cao tốc” kết nối thương mại Việt Nam - EU thì chất lượng sản phẩm và đáp ứng quy tắc xuất xứ chính là “giấy thông hành” để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả ưu đãi về thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường EU.
“EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhưng có nhiều rào cản kỹ thuật. Muốn tiếp cận và khai thác hiệu quả, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu đều phải xây dựng kế hoạch dài hạn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào canh tác, thu hoạch lẫn chế biến. Đặc biệt phải chủ động hợp tác, liên kết để xây dựng chuỗi giá trị có quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu số lượng lẫn chất lượng hàng hóa”, ông Thái nhấn mạnh.