Đối tác công - tư: Ứng xử sao cho bình đẳng?
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, nhiều nhà đầu tư đến từ châu Âu có thế mạnh và tiềm lực tài chính rất quan tâm đến cơ sở hạ tầng Việt Nam và mong muốn phát triển đường sắt, đường bộ, cảng biển, sân bay… Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và nhu cầu hạ tầng lớn, đầu tư theo phương thức PPP là một trong những giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, đã có một vài doanh nghiệp tìm hiểu cách thức thực hiện dự án, cách thức hợp tác, nhưng phải từ bỏ vì gặp nhiều trở ngại.
Theo các doanh nghiệp châu Âu, thị trường PPP Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, chưa có định hướng, chiến lược dài hạn, thống nhất, rõ ràng để thực hiện PPP trong cơ sở hạ tầng. Trong khi dự án PPP có đặc thù phức tạp, với nhiều mối quan hệ ràng buộc giữa nhà nước và nhà đầu tư, việc triển khai thực hiện dự án có nhiều rủi ro.
Cơ sở hạ tầng - lĩnh vực thu hút vốn đầu tư qua nhiều hình thức |
Luật Đầu tư theo phương thức PPP thực hiện khoảng gần hai năm qua, PGS-TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, rất ít hợp đồng dự án theo phương thức PPP được ký kết. Trở ngại lớn nhất giữa hai chủ thể bao gồm: nhà nước và nhà đầu tư tư nhân ký hợp đồng PPP thực hiện dự án quan hệ lại không bình đẳng. Đại diện cơ quan có thẩm quyền luôn nghĩ mình là đơn vị quản lý nhà nước ứng xử với nhà đầu tư tư nhân như đối tượng bị quản lý. “Sự mất bình đẳng giữa “nhà nước và nhà đầu tư” là nguyên nhân quan trọng không hấp dẫn các nhà đầu tư dẫn tới bầu không khí ảm đạm của môi trường đầu tư còn rất mới này”, ông Chủng nói.
Ông Trần Chủng còn chỉ ra thực trạng là hiện còn thiếu cơ chế, chính sách để áp dụng tiến bộ khoa học hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại các dự án. Cụ thể: Việc quản lý đơn giá, định mức hiện nay đã hạn chế các nhà thầu, nhà đầu tư ứng dụng các giải pháp vật liệu mới, công nghệ mới nhằm đảm bảo chất lượng khai thác, kéo dài tuổi thọ công trình (ví dụ áp dụng vật liệu polymer làm lớp áo đường để không bị hằn lún vệt bánh xe, thời gian trùng tu kéo dài…). Tuy nhiên, các nhà đầu tư, các nhà thầu lo ngại khi các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra… vào cuộc họ sẽ dễ bị quy là vi phạm pháp luật vì vượt so với đơn giá, định mức được phê duyệt.
PGS-TS. Dương Đăng Huệ, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp thừa nhận, tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của Luật Đầu tư PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, cơ quan ký hợp đồng lạm dụng vị thế, quyền lực của mình để ép doanh nghiệp, nhà đầu tư chấp nhận yêu cầu của mình, kể cả những yêu cầu không phù hợp với quy định của pháp luật. Một số quy định trong luật không đảm bảo sự bình đẳng gây bất lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. “Tại sao chỉ có cơ quan ký kết hợp đồng dự án (cơ quan nhà nước) mới có quyền yêu cầu kiểm toán nhà nước thực hiện việc kiểm toán, bên nhà đầu tư dự án lại không. Trong khi cả hai đều bình đẳng với nhau trong quan hệ hợp đồng?”, ông Huệ đặt câu hỏi và dẫn chứng: Giải ngân đúng tiến độ là một nghĩa vụ cơ bản của nhà nước nhưng thực tiễn đối tác nhà nước không hiếm khi vi phạm nghĩa vụ này. Để khắc phục lỗ hổng này Quốc hội cần giám sát thực hiện Luật Đầu tư PPP, đồng thời cần ban hành mẫu hợp đồng dự án PPP, trong đó có mẫu hợp đồng dự án BOT để làm cơ sở cho các bên ký kết và thực hiện các loại hợp đồng này.
Theo các chuyên gia, tiêu chí đầu tiên trong hợp đồng mẫu là mối quan hệ bình đẳng giữa công và tư. Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink cho rằng, quan hệ đối tác công - tư chỉ được hình thành khi và chỉ khi các bên là khu vực công và khu vực tư nhìn nhận và ứng xử với nhau như những đối tác thực sự, nếu không sẽ không có được quan hệ đối tác công tư. Bên cạnh đó, các bên trong quan hệ này phải thực sự bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý. Trong hợp đồng mẫu PPP cần phải có sự hài hòa, bình đẳng giữa hai bên công - tư. Theo đó, phải có bộ mẫu hợp đồng minh bạch và khả đoán, tức là các bên hiểu rõ hơn về quyền, nghĩa vụ và lường đoán được các vấn đề phát sinh. Đồng thời, việc quy định bộ hợp đồng mẫu PPP còn bảo vệ tốt hơn về an toàn pháp lý và để giải quyết các tranh chấp phát sinh.
Theo Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, để Luật Đầu tư PPP đi vào cuộc sống và các dựu án PPP hấp dẫn nhà đầu tư, cần khắc phục các cản trở về năng lực triển khai chính sách của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, phải tạo sự minh bạch, bình đẳng để nhà đầu tư tin cậy, yên tâm bỏ vốn vào những công trình phục vụ người dân, đất nước. “Nguồn lực xã hội rất mạnh, làm sao kích hoạt được, không chỉ mở ra cơ hội mà cần tạo điều kiện để các nhà đầu tư tư nhân thể hiện được khát vọng và trí tuệ của mình đóng góp nhiều nhất vào công cuộc dựng xây đất nước”, ông Trần Chủng nói thêm.