Đón đầu xu hướng mới trên thị trường M&A
Thị trường M&A chỉ chững lại tạm thời | |
Doanh nghiệp Việt "dẫn dắt" thị trường M&A | |
Khó tránh tranh chấp trong thương vụ M&A |
Vấn đề này được các chuyên gia khẳng định tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới” do Báo Đầu tư vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Thị trường sẽ sớm phục hồi
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, kinh tế toàn cầu trong năm vừa qua chứa đựng rất nhiều khó khăn, thách thức với nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước. Bên cạnh đó, các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 làm tăng thêm ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư toàn cầu nói chung và vốn đầu tư vào Việt Nam nói riêng, trong đó có vốn thực hiện các thương vụ M&A. Theo đó, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới dù đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng tính chung 10 tháng năm 2022 vẫn giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2021; số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 2,2%.
Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực hấp dẫn đối với các giao dịch M&A trong năm 2022 |
Tính riêng về hoạt động M&A trên thị trường Việt Nam, dữ liệu từ KPMG cho thấy trong 10 tháng năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với sự sụt giảm về giá trị, số lượng thương vụ cũng giảm từ 700 xuống còn 350, đồng thời giá trị bình quân mỗi thương vụ giảm quy mô từ 31 triệu USD xuống còn 16,5 triệu USD. Số lượng megadeals (giao dịch có giá trị vượt quá 100 triệu USD) được ký kết trong 10 tháng đầu năm 2022 đã giảm khoảng một nửa xuống còn 13 thương vụ so với 22 thương vụ trong cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy thị trường M&A ở Việt Nam đã rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với sự sôi động của năm 2020-2021.
Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn. Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Đây sẽ là thuận lợi cơ bản để kinh tế Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong năm 2023, năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, để từ đó bước vào giai đoạn tăng tốc 2024-2025.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, việc giữ vững ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng khá, vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn, an toàn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
“Sự chững lại của hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian gần đây hy vọng chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục.
Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng, vẫn luôn được đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng để kích hoạt những cơ hội mới”, ông Phương khẳng định.
Khẩu vị nhà đầu tư có nhiều thay đổi
Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, năm 2022 đã có sự dịch chuyển trong tư duy định giá ở các công ty muốn thu hút đầu tư. Năm 2021 toàn thế giới vừa vượt qua đại dịch Covid-19 nên có sự hào hứng với thị trường M&A. Có thể nói, đây là năm có nhiều giao dịch lớn, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử thị trường M&A Việt Nam. Nhiều công ty đã triển khai được các thương vụ mà họ đã chờ đợi nhiều năm. Tuy nhiên cùng với sự hào hứng này thì nhiều doanh nghiệp cũng đặt kỳ vọng lớn trong định giá và chần chừ tiếp nhận vốn vì họ nghĩ rằng doanh nghiệp của mình có định giá cao hơn. Còn hiện nay họ đã sẵn sàng nhận vốn và đã điều chỉnh kỳ vọng định giá xuống mức thấp hơn.
Ông Warrick Cleine phân tích thêm, đây là năm quan trọng trong việc thu hút vốn vào lĩnh vực tiêu dùng, khi lĩnh vực này dẫn đầu thị trường với tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ USD. Người dân Việt Nam đang có xu hướng mở nhiều tài khoản, mua sắm, tham gia tích cực vào thương mại điện tử, tăng chi tiêu cho giáo dục, y tế… “Thị trường tiêu dùng Việt Nam rất thú vị với các nhà đầu tư quốc tế, thu hút nhiều thương vụ M&A, và sẽ tiếp tục phát triển, kể cả lạm phát thì chúng tôi vẫn tin tưởng đây là thị trường hấp dẫn vốn M&A”, ông Warrick Cleine nhận định.
Bên cạnh đó, bất động sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo là những lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với các giao dịch M&A trong năm 2022, mặc dù bất động sản đang gặp các thách thức trong ngắn hạn. Cũng theo chuyên gia đến từ KPMG, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã chững lại trong 10 tháng đầu năm 2022, song sẽ trở lại là trọng tâm của các giao dịch M&A vào năm 2023 và những năm sau đó.
Một xu hướng khác được lưu ý là có sự giảm giá trị thương vụ từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… chủ yếu do đồng nội tệ của các nước này biến động mà khi đầu tư vào Việt Nam có thể đắt đỏ hơn. Tuy nhiên trong dài hạn, họ sẽ không rời bỏ thị trường Việt Nam. Nhìn vĩ mô trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn đang có các lợi thế trong thu hút vốn, và Việt Nam cũng đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều hơn dòng vốn M&A.
Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital cũng chia sẻ về những xu hướng mới trên thị trường M&A, theo hướng đa dạng hóa loại hình đầu tư, cũng như đa dạng các nhà đầu tư. Đầu tiên là sự gia tăng các giao dịch giữa các công ty trong nước, thay vì nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp trong nước chiếm thế chủ đạo. Bên cạnh đó, dù số lượng các thương vụ mà nhà đầu tư Việt Nam thực hiện ở nước ngoài chưa nhiều, nhưng xu hướng này cũng thú vị và tích cực. Ví dụ như công ty lớn trong ngành du lịch của Việt Nam mua công ty du lịch châu Âu, sau đó sử dụng nền tảng, công nghệ, năng lực đội ngũ, mở hoạt động du lịch ở châu Âu.
Một thay đổi khác là loại hình đầu tư. Hiện nay nguồn tiền đang khan hiếm do chính sách tiền tệ chặt hơn vì lạm phát. Theo Chủ tịch Dragon Capital, quỹ này vay trên thị trường quốc tế, lãi suất 4% cách đây 2 năm, năm nay là 9%, cho thấy ngày càng khó khăn để kiếm vốn. Vì vậy nhà đầu tư buộc phải nghĩ đến các cơ cấu khác nhau. Chẳng hạn có thể sử dụng một nửa vốn cổ phần, một nửa vốn nợ. Ngoài ra, còn có các phương pháp phi tài chính giảm rủi ro cho nhà đầu tư như đa dạng hóa rủi ro, đảm bảo tính minh bạch, tăng cường trách nhiệm… giúp các công ty tăng cường xác suất giảm rủi ro của mình.