Du lịch đường sông phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Du lịch đường sông tắc vì bến bãi Du lịch đường sông vẫn chưa… thông Kêu gọi đầu tư vào du lịch đường sông |
TP Hồ Chí Minh đang thiếu các bến thủy nội địa có quy mô lớn để đậu các tàu nhà hàng, tàu lưu trú. |
Tiềm năng du lịch phát triển đường sông
Phát biểu tại hội thảo "Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam- Định hường và giải pháp" diễn ra ngày 18/9, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, hiện du lịch đường sông đã nổi lên như một trong các loại hình du lịch quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Du lịch đường sông góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm phong phú thêm các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đến du lịch lịch sử và văn hóa thông qua trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống di sản văn hóa ven sông. Việc phát triển du lịch đường sông cũng có thể thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như cảng du lịch, bến tàu, và các khu vực xung quanh.
Việt Nam có mạng lưới sông ngòi phong phú, trải dài từ miền Bắc đến miền Nam, tạo nên những tuyến du lịch đường sông đa dạng và độc đáo. Với hơn 2.360 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài khoảng 41.900 km là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sông.
Ở miền Bắc, hệ thống sông Hồng không chỉ đóng vai trò là tuyến giao thông quan trọng mà còn là điểm đến hấp dẫn với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, làng cổ ven sông như làng gốm Bát Tràng, Bút Tháp, Đền Đô. Sông Hương ở Huế lại nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng và sự gắn kết với di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế.
Ở miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long nổi bật với hệ thống kênh rạch dày đặc, là nơi lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa sông nước, chợ nổi như Cái Răng, Phong Điền.
Ngoài ra, nhiều khu vực sông nước tại Việt Nam có hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm như vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), Cát Tiên (Đồng Nai) không chỉ là những điểm đến du lịch sinh thái nổi tiếng mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên…
Với tiềm năng như vậy, những năm qua, nhiều địa phương đã bước đầu chú trọng phát triển du lịch đường sông và đã đạt được những thành công nhất định, điển hình như du lịch trên dòng sông Nho Quế (Hà Giang), sông Hương (Huế), sông Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh)… Đặc biệt TP. Hồ Chí Minh hiện khai thác tới 17 tuyến du lịch đường thủy, trong đó 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP Hồ Chí Minh đến Bình Dương, Đồng Nai có lộ trình qua sân golf với mục tiêu phục vụ du lịch golf.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Ân - Phó trưởng phòng Quy hoạch, Phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng khách du lịch bằng đường thủy đến TP Hồ Chí Minh tăng từ 10-20% so với cùng kỳ. TP Hồ Chí Minh hiện có trên 60 chương trình tour du lịch đường thủy trong đó đặc biệt có 7 chương trình tour du lịch đường thủy thường kỳ và có trên 15 chương trình tour du lịch đường thủy mới được giới thiệu đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2023 -2024, TP Hồ Chí Minh từng bước xúc tiến các sản phẩm du lịch đường thủy để thu hút khách tham quan đạt khoảng 500 ngàn lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. "Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo", ông Nguyễn Hữu Ân cho hay.
Chưa có quy hoạch phát triển du lịch đường sông một cách đồng bộ
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, một số nguyên nhân chính cản trở sự phát triển du lịch đường sông như nhiều tuyến đường sông chưa được đầu tư đúng mức, gây khó khăn cho việc di chuyển và khai thác du lịch. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù là khu vực có mạng lưới sông ngòi dày đặc nhất cả nước, nhưng nhiều đoạn sông vẫn chưa được nạo vét, dẫn đến tình trạng bồi lắng, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện du lịch.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm tại nhiều con sông lớn như sông Tô Lịch, sông Nhuệ (Hà Nội), và sông Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) đã đạt mức báo động. Điều này không chỉ làm suy giảm giá trị cảnh quan mà còn gây khó khăn cho việc phát triển du lịch.
"Chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đường sông một cách đồng bộ. Hiện nay, du lịch đường sông ở Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược hay phát triển tổng thể và dài hạn. Các hoạt động du lịch thường mang tính tự phát, manh mún, thiếu sự liên kết giữa các địa phương, dẫn đến việc khai thác không hiệu quả, dịch vụ nghèo nàn và giảm sức hút đối với du khách", TS. Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Theo ông Nguyễn Hữu Ân, TP Hồ Chí Minh đang thiếu các bến thủy nội địa có quy mô lớn để đậu các tàu nhà hàng, tàu lưu trú. Hiện nay chỉ có cảng Sài Gòn có quy mô và sức chứa các tàu lớn. "Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, quy trình thủ tục và sự chồng chéo trong quản lý, làm giảm động lực đầu tư. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, lục bình khá nghiêm trọng mặc dù thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thường xuyên kiểm tra giám sát", ông Nguyễn Hữu Ân chia sẻ.
Các tuyến du lịch đường sông như dọc sông Mekong, sông Hồng, và hệ thống kênh rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long đều có thể trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do mỗi địa phương lại có chiến lược phát triển riêng, việc thiếu sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các tỉnh/thành đã dẫn đến nhiều hạn chế trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn.
Các tour du lịch hiện nay thường chỉ dừng lại ở việc khám phá một địa phương, mà chưa khai thác hết tiềm năng của cả một vùng rộng lớn. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của du lịch đường sông đối với những du khách mong muốn trải nghiệm đa dạng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn cần xây dựng đề án phát triển du lịch đường sông Việt Nam. Việc triển khai đề án này cần có sự chỉ đạo và vào cuộc từ các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cùng các doanh nghiệp và các chuyên gia du lịch có kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch đường sông.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để hoàn thiện sản phẩm du lịch đường sông. Phát triển sản phẩm du lịch đường sông hiện nay không nên chỉ chú trọng đến phát triển về quy mô, số lượng các doanh nghiệp kinh du lịch, dịch vụ du lịch đường sông, số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế, mà chuyển trọng tâm sang chất lượng của loại hình du lịch này.