Du lịch đường sông vẫn chưa… thông
Để du lịch trở thành ngành mũi nhọn | |
Bất cập du lịch đường sông |
Không đạt kế hoạch
Kế hoạch của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn (đơn vị đang khai thác tour kênh Nhiêu Lộc) đặt ra trong 6 tháng đầu năm thu hút khoảng 20.000-25.000 khách, nhưng 3 tháng đầu năm chỉ phục vụ khoảng 4.500-5.000 lượt. Khách đã vắng, lại thêm mỗi buổi chiều mưa, thuyền không thể hoạt động nên phải dời lịch phục vụ sang ngày khác…
Chủ tịch UBND TP.HCM (thứ 2 từ phải qua) xem mô hình tuyến buýt đường sông |
Theo Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, hoạt động khai thác, phục vụ khách du lịch đường thủy vấp phải rất nhiều khó khăn về bãi đậu xe, giữ xe cho cả 2 khu vực bến ở quận 1 và 3 gây khó khăn cho du khách và quá trình khai thác tour. Hiện sở chỉ cho phép những xe khách đoàn lớn tạm dừng đón, trả khách trong thời hạn 5 phút. Chính vì vậy, qua hai năm phát triển nhưng không thể tiếp cận nhiều với du khách.
Hơn thế, ông Võ Văn Cường, Trưởng phòng điều hành Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, cho biết vấn đề rác trên kênh cũng là điểm nghẽn để du khách lựa chọn dịch vụ du lịch trên sông. Dù Khu quản lý đường thủy nội địa và Công ty Môi trường đô thị thường xuyên vớt rác và sử dụng lưới chắn rác do công ty đầu tư nhưng khi nước lớn và sau khi vớt, mùi hôi và rác vẫn xuất hiện ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Là tuyến du lịch nội đô đầu tiên được thành phố và DN kỳ vọng, đầu tư nhiều nhưng đến nay, cảnh quan, hệ thống chiếu sáng dọc 2 bờ kênh vẫn còn khá đơn điệu, nhiều đoạn không có đèn đường, khu vực cầu và gầm cầu tối tăm, không có điểm nhấn…
"Tour kênh Nhiêu Lộc đến giờ vẫn được khai thác dưới mức kỳ vọng dù tuyến du lịch này được đầu tư khá nhiều và được xem là "độc, lạ" nếu nhìn ở góc độ sản phẩm du lịch mới cho thành phố", ông Cường nói.
Khoảng hơn 2 năm trước, nhiều ý kiến băn khoăn khi có ý tưởng về tour trên dòng kênh "chết" đầy rác, lãnh đạo Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn vẫn tin tưởng nếu được đầu tư bài bản và nhận được sự hỗ trợ của ngành du lịch thành phố, tuyến du lịch này sẽ trở thành đặc sản, điểm nhấn cho sản phẩm du lịch mới của thành phố, nhất là với du khách "city tour".
Vẫn chưa hấp dẫn
Để phát triển, khai thác tiềm năng những tuyến sông, kênh rạch chằng chịt trên địa bàn, lãnh đạo TP. HCM đã chỉ đạo ngành du lịch trên địa bàn tập trung đầu tư, phát triển du lịch đường thủy. Thế nhưng, tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là tour trọng điểm nhưng đã gặp khó khiến nhiều tour đường thủy khác vẫn chưa hấp dẫn, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của du khách trong và ngoài nước.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết đến nay, chùm tour đường sông đang tiếp tục được đầu tư phát triển, bổ sung, đa dạng hóa hành trình tham quan và phương tiện; kết hợp đi đường sông - về đường bộ; tăng thời gian của hành trình. Lượng khách du lịch đường sông hiện nay chủ yếu đến từ Mỹ, châu Âu, Úc… theo dạng du lịch MICE (hội nghị, hội thảo), trong khi lượng khách nội địa vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
Về nguyên nhân du lịch đường sông ở thành phố có quá nhiều tiềm năng nhưng lại chưa phát triển tương xứng, ông Vương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Saigontourist, nhìn nhận do vướng cơ chế, chính sách. Cụ thể, cơ sở hạ tầng để phát triển vẫn còn thiếu từ cầu tàu, bến bãi, nhà chờ… Kết quả là nhiều năm qua, TP. HCM đã chủ trương phát triển 7 tuyến du lịch đường sông nhưng đến nay triển khai còn hạn chế.
TP. HCM đã phê duyệt danh mục xây dựng 13 bến đỗ từ ngân sách nhà nước và 21 bến do tư nhân đầu tư từ năm 2013 để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khách du lịch đường sông khoảng 20% và doanh thu tăng 30%/năm. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) được UBND thành phố giao phát triển một số tuyến đường sông với kỳ vọng sẽ là sản phẩm hấp dẫn, đặc thù để kéo du khách đến thành phố. Tuy nhiên, đến nay, Saigontourist cũng chỉ đang khai thác một số tour có khách liên tục, hiệu quả như khám phá Củ Chi, khám phá Mê Kông - Long An, khám phá rừng ngập mặn Cần Giờ.
Để phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2017-2020, UBND TP. HCM vừa ban hành, mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh nội đô với ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy.
Số lượng khách du lịch đường thủy đến thành phố năm 2017-2018 đạt khoảng 450.000 lượt/năm và tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo. Thành phố hy vọng số lượng khách tuyến buýt sông số 1 tăng lên (từ công viên cảng Bạch Đằng, quận 1, đến Linh Đông, quận Thủ Đức) khi được nhà đầu tư đưa vào khai trương vào đầu tháng 7.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6, UBND TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GT-VT TP.HCM, cho biết đầu tháng 7 đơn vị sẽ phối hợp với Công ty Nhật Thường khai trương tuyến xe buýt đường sông số 1 chạy tuyến công viên cảng Bạch Đằng - Thủ Đức. Tuyến buýt sông số 1 dài khoảng 10,8 km gồm 7 bến đón trả khách, đi qua địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Giá vé dự kiến là 15.000 đồng/người/lượt. Khi đưa vào khai thác, tuyến buýt đường sông sẽ được kết nối với buýt đường bộ, để khi hành khách đến bến Bạch Đằng có xe buýt đi đến các địa điểm trong thành phố. |