Dự luật PPP: Chỉ xem xét chia sẻ khi doanh thu dự án bị sụt giảm do lỗi của Nhà nước
Ảnh minh họa |
Quá nửa ý kiến nhất trí với quy mô dự án PPP không dưới 200 tỷ đồng
Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung, chỉ rõ 5 nhóm lĩnh vực thể hiện tại khoản 1 Điều 5 với các lý do lựa chọn các lĩnh vực này như trong bản đầy đủ của dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Đồng thời, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong triển khai trên thực tế, bổ sung quy định để xử lý tình huống phát sinh dự án ngoài lĩnh vực quy định nhưng cần thiết, đáp ứng 4 điều kiện và có khả năng thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, cơ quan có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.
Về quy mô đầu tư dự án PPP, sau phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách đề xuất 2 phương án.
Thứ nhất, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực quy định, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng.
Quy định này thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP như đã nêu ở trên, xác định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP nhằm bảo đảm có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.
Đối với các dự án đầu tư tại vùng sâu, vùng xa chủ yếu thực hiện thông qua đầu tư công vì nếu đầu tư qua phương thức PPP sẽ không bảo đảm nguồn thu để duy trì việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cũng như khó thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước.
Thứ hai, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế... hoặc theo địa bàn như: đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa.
Quy định này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn khó khăn, có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu.
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách, có 9 ý kiến nhất trí phương án 1 trong khi có 7 ý kiến nhất trí phương án 2.
Chỉ xem xét chia sẻ khi doanh thu dự án bị sụt giảm do lỗi của Nhà nước
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, đối với căn cứ, điều kiện áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu sửa đổi, bổ sung quy định trong đó xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Cụ thể, việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định; việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ đã được quy định: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật quá chặt chẽ, không tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nhà đầu tư.
Về việc áp dụng cơ chế chia sẻ khi dự án giảm doanh thu mà không áp dụng cơ chế chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, với bản chất dài hạn, thời điểm hoàn vốn của dự án PPP có thể lên đến hàng chục năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án. Trên thực tế, dự án PPP chỉ được xác định thua lỗ, mất vốn khi không đạt điểm hoàn vốn (bắt đầu có lãi) theo phương án tài chính. Do đó, dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước.
Sửa đổi quy định về kiểm toán dự án PPP
Một nội dung rất quan trọng khác là về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.
Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước theo một số hướng như sau.
Thứ nhất, kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP.
Nội dung kiểm toán này được quy định căn cứ khuyến nghị tại chuẩn mực kiểm toán số ISSAI 5220 của Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế mà Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật đã lược bỏ quy định về thời điểm yêu cầu đối với nội dung kiểm toán này.
Thứ hai, kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) theo quy định của Luật này, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT...
Thứ ba, kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP.
Thứ tư, khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP…
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).