Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần thúc đẩy đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu rất nhiều ý kiến mới tiến bộ hơn, nhiều quy định đã thể hiện đúng nội dung, tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, cần tận dụng tốt hơn các công cụ ưu đãi để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các ngành nghề kinh tế cần khuyến khích, những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Phải có quy định và chế tài rõ hơn về sàn giao dịch bất động sản. |
Ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam, phân tích, Khoản 1, Điều 110 Luật Đất đai năm 2013 về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, quy định 7 đối tượng được miễn giảm tiền thuê đất, trong đó Điểm g có quy định: Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ. Tại Nghị định 46/2014/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định rất nhiều đối tượng được miễn toàn bộ tiền thuê đất, miễn tiền thuê đất có thời hạn, giảm tiền thuê đất.
Cho rằng Dự thảo Luật cần bổ sung thêm các đối tượng, trường hợp được miễn giảm để đồng bộ, tránh trường hợp Luật quy định ít nhưng Nghị định lại mở ra quá nhiều, ông Cường cùng một số doanh nghiệp đề xuất Điều 152 Dự thảo về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, cần thiết phải tách thành 2 Điều về chính sách miễn và giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đồng thời bổ sung thêm các đối tượng được miễn, giảm.
Cụ thể đối với miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đề nghị bổ sung là "Đất xây dựng công trình cấp thoát nước". Vì đất xây dựng hệ thống thoát nước đều là công trình thuộc lĩnh vực công ích phục vụ nhân dân, do Nhà nước đầu tư, các doanh nghiệp thoát nước thực hiện đấu thầu vận hành, chỉ là tạm quản lý chứ không thuộc quyền thuê đất, khi hết hạn hợp đồng khai thác sẽ phải bàn giao lại cho doanh nghiệp trúng đấu thầu tiếp theo.
Ông cũng đề nghị miễn thuế đất của các tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đã được phê duyệt đề án liên doanh, liên kết, cho thuê dưới hình thức đấu giá. Đây là vướng mắc lâu nay khi tính hiệu quả của hoạt động này của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.
"Nguồn thu này được coi là ngân sách cấp thì nên giản tiện thủ tục hành chính khi phải vòng qua cơ quan thuế thay vì ghi thu, ghi chi ngân sách tại đơn vị sự nghiệp công lập", ông Cường phân tích.
Về việc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, cần bổ sung thêm trường hợp diện tích đất trong hành lang an toàn lưới điện, hành lang đê điều, thuỷ lợi, vì không cho xây dựng công trình dẫn đến giảm công năng sử dụng đất nhưng vẫn phải nộp tiền thuê đất như đất ngoài diện tích này là chưa phù hợp.
Cùng bàn về Điều 152 của Dự thảo, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề nghị cần cân nhắc bổ sung quy định về miễn giảm tiền cho thuê mặt nước để khuyến khích phát triển, nuôi trồng thủy sản, hải sản, đặc biệt là khuyến khích phát triển kinh tế biển - một tiềm năng lớn hiện nay cần được khai thác cho phát triển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ông cũng đề nghị xem lại Điểm g, Khoản 1 Điều 152 là: "Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ", ngoài các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại các điểm trước của Khoản 1 Điều 152.
Như vậy theo Dự thảo, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp cụ thể. Điều này khác với quy định hiện hành (các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ - PV), vì nếu giao cho Chính phủ quy định thì Chính phủ sẽ phải quy định các trường hợp có tính ổn định trong một nghị định, chứ không phải bằng các quyết định đơn lẻ. Vì vậy, ông Sỹ đề nghị cần giải trình rõ điều này, trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Nếu không có vướng mắc gì thì không nên phân cấp thẩm quyền này cho Thủ tướng để quyết định cho từng trường hợp đơn lẻ, cụ thể.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Hữu Thập lại đề nghị vẫn giữ nguyên những đối tượng không nằm trong quy định phải đấu giá quyền sử dụng đất, như là nhóm đất sản xuất phi nông nghiệp ở các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn để được ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư.
"Bởi nếu những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn mà phải đấu thầu thì lấy đâu ưu đãi đầu tư với tỉnh nghèo nữa. Như chúng tôi toàn bộ tỉnh là tỉnh nghèo, nếu cứ bắt đấu giá hết, kể cả đất sản xuất và phục vụ sản xuất thì khó có thể thu hút đầu tư", ông nói.
Từ đó, ông Thập đề xuất chỉ nên đấu giá với đất phục vụ dịch vụ, thương mại, bất động sản, hoặc tổ hợp kinh doanh. Ông cũng đề nghị không nên đấu giá đất với các tổ chức nghề nghiệp xã hội như hiệp hội doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề khác; các ngành nghề khuyến khích đầu tư như: Y tế, giáo dục, thể thao, môi trường ở những khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn, mà nên giao đất và thu tiền sử dụng đất.