Gấp rút chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán
Cũng như vậy, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, sức tiêu thụ trứng toàn thị trường trong 10 tháng qua giảm khoảng 50% so với năm ngoái. Năm nay công ty đã chuẩn bị khoảng 2 triệu quả trứng gia cầm/ngày từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, cố gắng giữ giá ổn định từ nay đến tết Nguyên đán.
Nhận định về xu hướng mua sắm mùa Tết Nguyên đán 2024, các chuyên gia cho rằng, những sản phẩm thiết thực, thiết yếu sẽ chiếm lĩnh thị trường. Người tiêu dùng sẽ xem xét, cân nhắc lại mức độ quan trọng của hàng hóa và dịch vụ đối với gia đình, có xu hướng ưu tiên những sản phẩm mang lại giá trị trong cuộc sống hàng ngày.
Thậm chí, đại diện một số hệ thống bán lẻ cho biết, đã có nhiều nhà cung cấp gửi thông báo đề nghị tăng giá sản phẩm do giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào đều tăng… Thế nhưng do sức mua vẫn yếu nên các hệ thống bán lẻ đã đàm phán để được giữ giá sản phẩm bình ổn, ít nhất đến hết năm.
Về xu hướng doanh nghiệp chuẩn bị cho thị trường Tết 2024, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam cho biết, qua kết quả khảo sát của công ty, dù người tiêu dùng đang lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong những tháng tới, nhưng dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu chưa thực sự rõ rệt. Theo dự báo của Kantar, thị trường Tết 2024 sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do người tiêu dùng sẽ chi tiêu dè dặt hơn. Dự báo, người dân sẽ ưu tiên mua thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và sản phẩm có giá thấp, được khuyến mãi. Có đến 49% người tiêu dùng được khảo sát cho biết, họ sẽ tham khảo nhiều cửa hàng để tìm kiếm chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đồng thời so sánh giá để mua được sản phẩm với giá tốt nhất.
Chính vì vậy, bà Nga cho rằng doanh nghiệp phải linh động tìm hướng tiếp cận người tiêu dùng tại các kênh khác nhau như bán hàng qua kênh Tiktok Shop, online… để phù hợp với xu hướng mới.
Để đảm bảo lượng hàng hóa và ổn định giá cả, lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở sẽ vận động hệ thống phân phối tham gia các chương trình khuyến mãi tập trung. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để bảo đảm nguồn cung hàng hoá cho cuối năm.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao khuyến cáo, các doanh nghiệp phải nắm chắc những thông tin, dự báo để có giải pháp đáp ứng được những yêu cầu mới của người tiêu dùng. Yếu tố quan trọng nhất hiện nay vẫn là chất lượng sản phẩm, sau đó là hệ thống phân phối tiện lợi cho khách hàng.