Giải pháp cho trái phiếu doanh nghiệp
Doanh nghiệp mua lại trái phiếu: Phù hợp với quy định mới | |
Cần sớm có giải pháp phát triển thị trường trái phiếu và chứng khoán | |
Thị trường trái phiếu: Sau cơn mưa trời sẽ sáng? |
Chặn rủi ro lây lan trên thị trường vốn
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội cuối tuần qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đặt vấn đề, các DN đang thực sự khát vốn, nỗ lực tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay có nguy cơ đứt gãy khi tín dụng trên GDP đã cao và NHNN khó nới thêm “room”. Cùng lúc đó thị trường TPDN khó khăn, chứng khoán suy giảm khiến các kênh dẫn vốn thêm tắc nghẽn. Ông Hùng nhận định, thị trường chứng khoán và TPDN sụt giảm chủ yếu do nhà đầu tư (NĐT) thiếu niềm tin chứ không phải các DN hay nền kinh tế có vấn đề.
Nhận định này được đặt trong bối cảnh 3 tuần đầu tháng 10/2022 không có đợt phát hành TPDN nào được ghi nhận. Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), luỹ kế 9 tháng năm 2022, tổng giá trị phát hành TPDN trong nước là hơn 244.000 tỷ đồng, giảm gần 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các DN mua lại là hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp đang mua lại trái phiếu trước hạn |
Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn chủ yếu do các DN chịu sức ép từ phía trái chủ (người mua trái phiếu), xuất phát từ tâm lý lo ngại trước sự cố của hai tập đoàn lớn là Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings lưu ý, trên thị trường vẫn có nhiều trái phiếu chất lượng tốt và rủi ro thấp. Nếu vì tâm lý lo ngại mà NĐT “tháo chạy” khỏi trái phiếu, thì dù có DN đang rất khoẻ cũng trở thành yếu, thậm chí vỡ nợ vì bị trái chủ rút trước hạn chứ không phải vì kinh doanh của họ kém đi hoặc dòng tiền yếu.
Bên cạnh đó, việc tháo chạy khỏi trái phiếu tốt sẽ khiến NĐT phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất. Vì khi DN rơi vào tình trạng vỡ nợ toàn bộ hoặc phá sản thì NĐT trái phiếu sẽ không có thứ tự ưu tiên thanh toán cao. Theo quy định hiện hành, nếu DN vỡ nợ thì tài sản còn lại sẽ được xử lý theo thứ tự: trả thuế, trả nợ lương, trả các khoản nợ ưu tiên khác... mới đến lượt trả nợ trái chủ thì NĐT hầu như không thể nhận lại đầy đủ khoản đầu tư ban đầu.
Sóng gió trên thị trường TPDN vẫn còn ở phía trước. Bởi dữ liệu thống kê cho thấy giá trị trái phiếu riêng lẻ đến hạn thanh toán trong quý IV/2022 và năm 2023 vào khoảng 60.000 tỷ đồng và 260.000 tỷ đồng. Lượng trái phiếu đến hạn này đang và sẽ tạo áp lực lớn tới thanh khoản thị trường tài chính. Nếu không chủ động quản lý hiệu quả thị trường thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan rủi ro sang khu vực ngân hàng và các DN sản xuất kinh doanh lành mạnh, ảnh hưởng không tốt tới an ninh, an toàn tài chính quốc gia và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Cần sử dụng “bàn tay Nhà nước”
Theo các chuyên gia, khó khăn trên thị trường TPDN hiện nay chủ yếu xuất phát từ vấn đề khủng hoảng niềm tin, vì vậy để vực dậy thị trường quan trọng này, các cơ quan quản lý và tổ chức có liên quan cần đưa ra thông điệp và hành động mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý nhà đầu tư, đồng thời có cơ chế để bảo vệ các DN hoạt động lành mạnh và làm ăn chân chính.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, nếu như giai đoạn 2018-2021 khi các NĐT nhỏ lẻ vì thiếu thông tin mà ồ ạt mua TPDN và tạo ra sự phát triển bùng nổ của thị trường, thì hiện nay sự tháo chạy ồ ạt của trái chủ cũng xuất phát từ lý do tương tự.
Ông Kiên lưu ý, các diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính không phải là tình trạng riêng của Việt Nam mà đã xuất hiện tại nhiều quốc gia có thị trường tài chính phát triển như Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước đều có những cam kết mạnh mẽ và sử dụng “bàn tay Nhà nước” để tạm thời điều tiết và bình ổn thị trường. Gần đây nhất, Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch mở rộng tài trợ cho các chương trình hỗ trợ thanh khoản lên ít nhất 35 tỷ USD để giảm bớt căng thẳng thanh khoản trên thị trường TPDN.
Đặt trong bối cảnh của Việt Nam, ông Kiên cho rằng có thể sử dụng các định chế tài chính Nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua trái phiếu của các DN tạm thời bị hạn chế năng lực tài chính từ các nhà đầu tư hiện hữu là cá nhân. Đồng thời khi thực hiện, cần tổ chức công tác truyền thông để dư luận xã hội hiểu rằng việc hỗ trợ là tạm thời để cứu nguy cho thanh khoản thị trường.