Thị trường trái phiếu: Sau cơn mưa trời sẽ sáng?
Nếu vì lý do tâm lý mà các nhà đầu tư thực hiện yêu cầu tất toán/mua lại trái phiếu ngay lập tức (bond-run), thì doanh nghiệp dù hoạt động đang rất tốt cũng có thể bị rơi vào tình trạng trái phiếu của họ thành “xấu”, hoặc mất khả năng thanh toán vì bị rút vốn đột ngột trước hạn, chứ không phải vì họ yếu dòng tiền hoặc kinh doanh kém...
Kiện toàn để phát triển bền vững
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam 5 năm trở lại đây đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân tốt nhưng quy mô còn khá nhỏ, chỉ khoảng 15% GDP, trong khi Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thailand (25% GDP). Những con số trên, đặc biệt khi quy mô nền kinh tế, GDP của Việt Nam ở top đầu ASEAN, cho thấy còn nhiều dư địa và yêu cầu phát triển kênh dẫn vốn này để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho doanh nghiệp, chia sẻ gánh nặng với hệ thống ngân hàng.
Việc phát triển kênh trái phiếu giúp doanh nghiệp huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng, giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống |
Tại một toạ đàm mới đây “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP”, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, cho rằng: Thị trường mặc dù tăng trưởng nhanh từ năm 2019, nhưng trong quá trình vận hành một số lỗ hổng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường đã bộc lộ. Vì lẽ đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm kiện toàn hơn nữa hoạt động thị trường.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cũng cho biết: “Nghị định mới đã tham khảo những chuẩn mực quốc tế, quy định rõ ràng để đảm bảo tất cả các thành phần tham gia thị trường có trách nhiệm minh bạch hóa thông tin và chịu trách nhiệm với việc tham gia thị trường, khi đã nắm rõ và có thông tin một cách đầy đủ.
Các sự việc có dấu hiệu vi phạm chỉ là đơn lẻ
TS. Ngô Ngọc Quang, Đại học Ngân hàng TP.HCM từng nhận định, việc loại bỏ những “con sâu” đơn lẻ làm xấu thị trường bất động sản, tài chính vừa qua đã giúp môi trường đầu tư bắt đầu trở nên lành mạnh, minh bạch hơn, bớt rủi ro hơn. “Tất cả các thị trường đang vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, rủi ro và cơ hội đan xen lẫn nhau. Trong ngắn hạn, nhu cầu đầu tư vào các tài sản như chứng khoán, bất động sản vẫn sẽ sụt giảm và kênh đầu tư trở nên hấp dẫn, an toàn cao hơn lúc này là trái phiếu và gửi tiết kiệm”, ông Quang đánh giá.
Thị trường TPDN đang ấm lại, dự báo tăng trưởng cao và ngày càng lành mạnh hơn |
Hoạt động nào cũng có rủi ro nhất định, đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ có lúc thị trường tăng, cổ phiếu tốt, nhưng cũng không ít cổ phiếu sụt giảm giá trị và thậm chí mất thanh khoản. Đầu tư TPDN về mức độ rủi ro thấp hơn cổ phiếu, thu nhập cố định cao hơn gửi tiết kiệm; trong khi đó Bộ Tài chính đang thúc đẩy kế hoạch lập sàn giao dịch thứ cấp tập trung cho thị trường TPDN, tăng thêm ưu thế và lợi ích ở kênh đầu tư này về tính thanh khoản.
Việc phát triển kênh trái phiếu một mặt giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng, giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống; mặt khác, mở ra kênh đầu tư hấp dẫn hơn thu hút tiền nhàn rỗi từ dân cư cũng như tổ chức, từ đó nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Quang Thuân cho rằng, trước hết, các nhà đầu tư cá nhân hiện đang sở hữu TPDN nên tìm hiểu chất lượng trái phiếu, uy tín của doanh nghiệp phát hành. Bởi, không phải trái phiếu nào cũng rủi ro vỡ nợ cao. Tại Việt Nam cũng chưa có tình huống doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu. Các doanh nghiệp phát hành đang thanh toán gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể cả trong ngành bất động sản, có tỷ lệ đòn bẩy nợ thấp, một số đa dạng hóa được nguồn thu, chất lượng quản trị doanh nghiệp tốt và dòng tiền trả nợ được đánh giá là có thể đáp ứng được trước áp lực đáo hạn trái phiếu trong môi trường lãi suất gia tăng hiện nay.
Do đó, sẽ là điều đáng tiếc cho thị trường và tổn thất cho chính nhà đầu tư nếu tìm cách bán lại trái phiếu bằng mọi giá. Nếu vì lý do “trào lưu” mà nhà đầu tư xếp hàng thực hiện “bond-run” (yêu cầu tất toán/ mua lại trái phiếu ngay lập tức), thì doanh nghiệp dù tốt tự dưng trái phiếu của họ cũng thành “xấu”, hoặc bị rút đột ngột trước hạn chứ không phải vì họ yếu dòng tiền hoặc kinh doanh kém.
Sau cơn mưa trời sẽ sáng, sẵn sàng cho Nghị định 65
Chia sẻ quan điểm trên báo chí, chuyên gia Nguyễn Quang Thuân, nhìn ở góc độ tính an toàn hệ thống tài chính thì những tác động dây chuyền từ trái phiếu có mức độ rủi ro là khá thấp mặc dù có thể sẽ có thêm một số trường hợp chậm trả lãi hoặc gốc nhưng chắc chắn chỉ mang tính chất đơn lẻ.
Trong khi đó, thị trường đã ấm dần lên. Số dư TPDN vào cuối tháng 9/2022 giảm còn khoảng 1,3 triệu tỷ đồng do hoạt động mua lại gia tăng cũng như hoạt động phát hành mới có mức độ thấp. Trong số này nếu trừ đi số trái phiếu do ngân hàng phát hành (vốn có rủi ro thấp hơn nhiều), thì TPDN do các đơn vị phi ngân hàng phát hành giảm, chỉ còn hơn 909 nghìn tỷ đồng, trong đó trái phiếu của ngành bất động sản vào khoảng 455 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.
Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua, theo thống kê của VBMA, có hàng loạt doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn lên tới hơn 142 nghìn tỷ đồng, lượng phát hành thêm còn khá nhỏ. Giới chuyên môn đánh giá qua đó, các tổ chức đã sẵn sàng cho áp dụng Nghị định 65 trong giai đoạn mới. Và điều này không chỉ giúp giảm bớt áp lực đáo hạn vào cuối năm mà còn có cơ hội đưa giai đoạn phục hồi của thị trường trái phiếu đến sớm hơn. Theo đó, chuyên gia dự báo thị trường trái phiếu sẽ giải tỏa “cơn khát”, tăng trở lại trong thời gian tới, nhất là năm 2023.
Các ngân hàng, công ty chứng khoán tăng cường chất lượng dịch vụ để tham gia tích cực vào công tác tư vấn, phân phối, bảo lãnh TPDN, góp phần xây dựng một kênh đầu tư lành mạnh bên cạnh đầu tư chứng khoán hay gửi tiết kiệm. Người dân có vốn nhàn rỗi có khả năng tối ưu, đa dạng kênh đầu tư của mình, vừa tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển. Cùng đó, Bộ Tài chính cùng các đầu mối chức năng thường trực bám sát thực tiễn để đồng hành, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bảo vệ những doanh nghiệp phát hành trái phiếu tốt.
Sau cơn mưa trời sẽ sáng. Thị trường TPDN đang ấm lại, dự báo tăng trưởng cao và ngày càng lành mạnh hơn; lợi ích của nhà đầu tư, của doanh nghiệp sẽ càng được củng cố và nâng cao, cũng như một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế sẽ ngày càng phát triển bền vững hơn.