Giải pháp hay cho đầu ra nông sản
Khi nông sản châu Á tràn vào Việt Nam | |
Chuỗi nông sản chủ động hơn về vốn | |
Thủ tướng đối thoại với nông dân về “liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản" |
Từ chuyện giải cứu
Những năm qua, câu chuyện “giải cứu” nông sản thường xuyên được truyền thông nhắc đến mỗi khi người nông dân không bán được hàng. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ là giải pháp tình thế, chỉ giúp nông dân giải phóng hàng nông sản tại một thời điểm mà không có tính bền vững. Điều quan trọng là phải có giải pháp căn cơ để giúp nông dân định hướng phát triển sản xuất lâu dài.
Các chuyên gia nhận định, thực tế cho thấy, hiện tượng trên bắt nguồn từ sự yếu kém trong phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước để giúp gắn kết thị trường và công tác dự báo thị trường, nắm bắt nhu cầu còn nhiều hạn chế... Điều đó dẫn đến chưa giúp người nông dân có kế hoạch sản xuất, chưa tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.
Liên kết hiệu quả, sản phẩm của nông dân đã đến thẳng siêu thị |
Cùng với đó, công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Thị trường trong nước thì hệ thống phân phối chưa đồng bộ và hiệu quả; Việc xây dựng thương hiệu nông sản tiến hành quá chậm. Cùng với đó, đối với thị trường xuất khẩu, các nước nhập khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam luôn tìm cách áp đặt các hàng rào kỹ thuật để gây khó cho sản phẩm nông sản Việt.
Tất cả những yếu kém, bất ổn đó khiến người nông dân luôn bất an, lo lắng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp đột phá về dự báo thị trường, liên kết trong chuỗi sản xuất và nhanh chóng xây dựng thương hiệu, để thực trạng này không còn lặp lại.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt để làm cầu nối giữa DN thu mua, phân phối với người sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện để hàng hóa được vào các hệ thống bán lẻ. Kết nối với các đơn vị tư vấn về marketing giúp tư vấn cho người sản xuất về bao bì, mẫu mã sản phẩm, tạo sức hút cho sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.
Đến cách làm hay từ sự liên kết
Từ những hộ sản xuất, thu hái rau rừng, chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn các xã huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã thông qua chương trình sinh kế cộng đồng, dựa trên sự liên kết giữa nông dân và Tập đoàn Central Retail để tạo ra các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp được bao tiêu tại trên 20 Siêu thị Big C, mang lại hiệu quả lớn cho người nông dân địa phương. Sau 2 năm liên kết dưới sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền huyện Sơn Hà, những hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ đã hình thành nên những trang trại, hợp tác xã sản xuất, dịch vụ với quy mô nhiều tỷ đồng. Đến nay, các sản phẩm của nông hộ như gà kiến, rau dớn, rau ngót rừng, dưa leo, ớt xiêm rừng, heo ky… đã có mặt tại 20 siêu thị Big C với tổng trị giá sản lượng gần 7,5 tỷ đồng. Đây chính là những thành công sau một thời gian triển khai mô hình sinh kế cộng đồng bền vững được UBND huyện Sơn Hà cùng với Tập đoàn Central Retail thực hiện.
Ông Phùng Tô Long, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, huyện giao cho Ban Quản lý dự án Giảm nghèo Tây Nguyên huyện Sơn Hà định hướng sản xuất cho các nhóm sản xuất để có hiệu quả hơn.
Từ chương trình này, nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ đã vươn lên mở rộng quy mô sản xuất thành trang trại, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho chính gia đình mình và người lao động. Đơn cử, anh Nguyễn Hồng Lợi, xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà, từ hộ nuôi lợn lai rừng nhỏ lẻ, sau khi tham gia chương trình, đã mở rộng trại nuôi chuyên nghiệp lên hơn 3.000m2 với quy mô 30 lợn rừng nái và hơn 200 lợn thịt thường xuyên.
Theo anh Lợi, tất cả hoạt động chăn nuôi đều dựa trên quy trình hướng dẫn của chương trình dự án. Hiện trang trại của anh đang dùng phương thức chăn nuôi sạch, chủ yếu cho lợn ăn bằng các loại cây cỏ, rau rừng và hoàn toàn không dùng thức ăn tăng trọng. Chính vì vậy, sản phẩm đã được hệ thống siêu thị Big C bao tiêu, hiện sản lượng nhiều khi không đủ để cung cấp theo đơn đặt hàng.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, Chương trình sinh kế cộng đồng là sáng kiến của Central Retail để hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Chương trình này được ra mắt cuối năm 2017, nhằm hỗ trợ cho phát triển sản xuất và đa dạng hoá sinh kế cho nhóm các hộ nông dân, ngư dân và các hộ gia đình nghèo sống ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; vùng duyên hải khó khăn và có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, ưu tiên cho nông dân đồng bào dân tộc thiểu số.
Với chương trình này, Central Retail giúp người nông dân có thể ổn định và cải thiện thu nhập, tiến tới cuộc sống khá giả từ chính những sản phẩm nông nghiệp, cải thiện chất lượng cuộc sống của họ một cách bền vững.
Tham gia chương trình, người nông dân được định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và canh tác bởi chuyên gia đến từ các trường đại học, Viện nghiên cứu, có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính ứng trước cho việc sản xuất; được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ thời gian thanh toán ngắn ngày và hoàn toàn không có lãi suất; được cam kết hợp tác và hỗ trợ dài hạn từ Central Retail để có thể phát triển bền vững. Chương trình mang lại những hỗ trợ tích cực cho nông dân nghèo, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa và nhiều sự đổi thay cho cuộc sống.