Khi nông sản châu Á tràn vào Việt Nam
Chuỗi nông sản chủ động hơn về vốn | |
Thủ tướng đối thoại với nông dân về “liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản" | |
Xuất khẩu chính ngạch là hướng đi tất yếu |
Hiện đã vào thời gian cao điểm sản xuất, dự trữ hàng hóa và kinh doanh của mùa mua sắm lớn nhất trong năm, để đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Nguồn nguyên liệu nông sản trong nước (rau, củ, quả, đường…) vốn đã dồi dào, nay còn thêm hàng hóa từ các nước như Đài Loan, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan… đang tăng cường đưa vào Việt Nam. Điều này khiến nhà nông, doanh nghiệp băn khoăn, liệu có xảy ra tình trạng ứ đọng hàng hóa (nhất là các loại trái cây, rau củ), phải bán tháo với giá rẻ, hay phải đổ ra đường như những năm trước?
Ảnh minh họa |
Theo ông Hu Jong I, Tổng giám đốc Cơ quan Nông nghiệp và Thực phẩm Đài Loan, ngày 5/12/2019 một lô hàng 180 tấn bắp cải của Đài Loan đã nhập khẩu vào Việt Nam, mở đầu cho nhóm nông sản của Đài Loan chính thức gia nhập thị trường này. Cũng tương tự như Việt Nam, thời gian cao điểm thu hoạch bắp cải ở Đài Loan là vào mùa thu và mùa đông. Trước đây, bắp cải Đài Loan chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Canada, Hồng Kông và Singapore… Việt Nam hiện là thị trường mới nhất nhập khẩu lần đầu tiên bắp cải Đài Loan với số lượng lớn. Trước đây, đã có nhiều doanh nghiệp Đài Loan đưa bắp cải sang Việt Nam bán, nhưng với số lượng nhỏ không đáng kể (trung bình từ 10 – 20 tấn) vào thị trường Việt Nam tiêu thụ, và giá bán cao gấp đôi hàng cùng loại của Việt Nam. Ông Hu Jong I cho biết, ngành nông nghiệp Đài Loan được quy hoạch từ giống, cây và vùng trồng tập trung, công nghệ sau thu hoạch rất tiến bộ; sản phẩm sử dụng công nghệ làm mát chân không để cải thiện chất lượng, có thể kéo dài thời hạn sử dụng rau quả (từ 1 - 2 tháng), tăng khả năng cạnh tranh.
Đến nay, Việt Nam vốn được xem là thị trường tiêu thụ rau quả của nhiều nước khu vực châu Á trong nhiều năm qua. Cụ thể như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Australia… là các thị trường cung cấp rau củ quả lớn nhất cho thị trường Việt Nam từ đầu năm 2019 đến nay. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là từ Thái Lan, với kim ngạch tăng 23%; Trung Quốc tăng 58%, Australia tăng 38%... (so với cùng kỳ năm 2018). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các chủng loại rau, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan có rất nhiều loại tương tự với sản phẩm trong nước. Trong đó, nhập từ Thái Lan, chủ yếu là trái cây xoài, chôm chôm, thanh long, mít, sầu riêng, nhãn. Nhập khẩu từ Trung Quốc có nhiều loại rau như bắp cải, cà rốt, su hào, súp lơ, khoai tây. Các loại hoa quả đầu mùa là mận, táo, lê, dưa vàng, lựu, nho và quýt siêu ngọt... Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu thêm nhiều rau quả, gia vị từ các nước khác như Ấn Độ (củ hành tím, gừng...), Philippines có chuối, Indonesia có rau gia vị...
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 11 tháng/2019, Việt Nam đã nhập khẩu rau quả với tổng kim ngạch khoảng 1,63 tỷ USD; các loại hoa quả từ Trung Quốc và Thái Lan nhập về Việt Nam đều là những giống cây trồng và sinh trưởng tốt tại Việt Nam. Các sản phẩm nhập khẩu này khi vào thị trường Việt Nam không chỉ đưa vào siêu thị tiêu thụ, mà còn tràn qua các chợ nhỏ lẻ (do hàng được tập kết tại chợ đầu mối, sau phân phối lại chợ lẻ) cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt cùng loại. Ngoài ra, các nhóm hàng rau quả từ Thái Lan, Trung Quốc vào Việt Nam thường không quản lý được mức giá. Và đây là một thách thức lớn cho sản xuất trong nước.
Cũng cần nhắc lại, khi Đài Loan chính thức xuất khẩu bắp cải vào thị trường Việt Nam vào tháng 12/2019, thì tại vùng trồng nhiều bắp cải nhất khu vực miền Nam là TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) hiện cũng đang vào mùa thu hoạch bắp cải và các loại rau quả Thu – Đông, chuẩn bị cho mùa Tết Nguyên đán. Việc này sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh lên hàng Việt cùng loại với hàng nhập khẩu.