Gỡ nút thắt để doanh nghiệp lớn mạnh
Cải cách thủ tục hành chính: Mở đường cho “tăng tốc” Hóa giải nút thắt đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến |
Mắc kẹt vì giấy phép
Đó có thể là sự xung đột của quy trình thủ tục, sự chưa rõ ràng của nhiều quy định; khó khăn về chi phí tuân thủ các quy định pháp luật quá cao, bất hợp lý; sự thay đổi đột ngột của một quy định có khi khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản…
Bên cạnh đó, kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của 15 lĩnh vực quản lý Nhà nước trong năm 2023 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cũng cho thấy, đang tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định. Nhiều điều kiện kinh doanh còn lồng ghép, chứa đựng "giấy phép con", vì thế số lượng điều kiện kinh doanh có thể giảm về hình thức nhưng thực chất vẫn rất phiền hà bởi được dẫn chiếu bằng nhiều quy định khác nhau.
Đơn cử, với kinh doanh rượu, Nghị định 105/2017/NĐ-CP về sản xuất và kinh doanh rượu quy định, một trong những điều kiện sản xuất rượu công nghiệp là phải có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu. Tuy nhiên, luật hiện hành lại chưa quy định cụ thể về trình độ, chuyên môn của cán bộ kỹ thuật, dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp khi đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
Với các doanh nghiệp dệt may, ông Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH May Thành Nghĩa cho biết, đơn vị đang bị “mắc kẹt” vì không đáp ứng được các quy định mới về phòng cháy chữa cháy. Bởi theo quy định hiện hành, khi xây dựng mới, vật liệu xây dựng phải đáp ứng các tiêu chí về chống cháy nhưng việc giải thích các tiêu chí và làm thế nào để đạt tiêu chí lại không có hướng dẫn chi tiết, thậm chí không làm được trên thực tế. Doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải làm lại các thủ tục, như lập lại phương án chữa cháy, hoặc xin thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy... Việc này đã gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Các đơn vị tập trung cải cách quy trình, thủ tục hành chính nội bộ |
Trung ương, địa phương cùng vào cuộc
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn, các vướng mắc trong thủ tục hành chính trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Do đó, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cần nhanh chóng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian, “giải phóng” nguồn lực phát triển cho doanh nghiệp là điều rất quan trọng.
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV diễn ra vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi. “Phải chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định.
Gần đây nhất, chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu cần đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra là hợp lý, khả thi, hiệu quả; hạn chế các điều kiện kinh doanh không cần thiết, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội; Chú ý lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của các đối tượng tác động, các nhà khoa học, các nhà quản lý có kinh nghiệm, các nhà hoạt động thực tiễn.
Các cơ quan Trung ương đã vào cuộc, nhiều địa phương cũng lần lượt tích cực đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chính. Tại Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị tập trung cải cách quy trình, thủ tục hành chính nội bộ để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính, tránh phát sinh các thủ tục gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Giải quyết thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố “cấp nào sát dân, gần dân thì giao cấp đó thực hiện”; đánh giá kết quả việc thực hiện ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính. Song song đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính để công khai, minh bạch quy trình, thủ tục và giải quyết thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.