Hà hơi tiếp sức cho thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản trước cú 'sốc' Covid-19 | |
Bộ Xây dựng: Nguồn cung nhà ở giảm, giá vẫn tăng giữa dịch Covid-19 | |
Vẫn thiếu nhà phân khúc bình dân |
Ngay trong những ngày đầu năm 2020, Novaland - một tập đoàn BĐS lớn và khá tên tuổi tại TP.HCM đã phải viết đơn kêu cứu, trình Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan để đề nghị xem xét, hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp được tiếp tục triển khai dự án khu dân cư rộng hơn 30 ha ở phường Bình Khánh, Quận 2. Đây là dự án bị “mắc kẹt” hơn 2 năm do vướng mắc về việc rà soát lại thủ tục pháp lý. Theo đại diện tập đoàn này, nếu không nhanh chóng được tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng "mất thanh khoản", gây nợ xấu và phát sinh nhiều hệ quả, đặc biệt là “đội” chi phí vốn, đầu tư, xây dựng cho chủ đầu tư lên rất lớn.
Tương tự như vậy, rất nhiều DN BĐS tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua đều cùng chung cảnh ngộ. Thực tế là gần 2 năm qua, rất nhiều dự án triển khai ì ạch do vướng mắc thủ tục pháp lý; tiếp đến từ đầu năm 2020, cú sốc đại dịch mang tên Covid-19 lại liên tiếp giáng những đòn nặng nề vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN BĐS.
Các DN BĐS đã và đang nhận được những trợ giúp hiệu quả để vượt qua khó khăn |
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường BĐS đã phải đương đầu với nhiều trở ngại trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó”, nên các tập đoàn, các DN BĐS đang phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn thách thức này. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp hỗ trợ DN BĐS ứng phó và vượt qua khó khăn. Cụ thể, Hiệp hội đề nghị các DN BĐS là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng, cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 3 - 6/2020. Đáng chú ý, hiệp hội cũng đề nghị NHNN xem xét, chỉ đạo các NHTM giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các DN BĐS...
Đối với những khó khăn, vướng mắc mà DN BĐS đang gặp phải, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Đồng thời, bộ này cũng đã báo cáo bổ sung thêm một số ngành vào đối tượng được gia hạn và dự kiến tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng
Cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, giúp cộng đồng DN nhanh chóng vượt qua khó khăn, ngay khi dịch bệnh vừa xảy ra, NHNN cũng đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các TCTD để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN. Cụ thể, NHNN đã ban hành Thông tư 01 hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho tất cả các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tiếp đến là Chỉ thị 02/CT-NHNN, yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi…
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 138/QĐ-TTg kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS có nhiệm vụ chỉ đạo thống nhất việc triển khai các chủ trương, chính sách về nhà ở trên phạm vi cả nước; Đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở; Kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách về nhà ở tại các bộ, ngành và địa phương; Định kỳ tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách nhà ở và đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về nhà ở phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong từng thời kỳ....
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, với sự vào cuộc, chung tay góp sức của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN nói chung và các DN BĐS nói riêng. Kỳ vọng thời gian sắp tới, khi dịch bệnh dần được đẩy lùi, nền kinh tế đi vào ổn định và từng bước phát triển sẽ là cơ hội tốt tái thiết lại thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững hơn, tạo điều kiện cho các DN BĐS ngày một lớn mạnh đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.