Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản
Chung tay thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp | |
Lập gấp “vùng xanh” tiêu thụ nông sản chính vụ | |
Ngăn chặn sự gián đoạn lưu thông nông sản |
Giá nông sản tiếp tục giảm mạnh
Lường trước được tính phức tạp của dịch bệnh, các địa phương đã chủ động thành lập các tổ hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản để theo dõi thông tin liên quan đến tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Song do diễn biến dịch hết sức phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phía Nam, nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, dẫn đến việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, khiến hàng nông sản của người dân bị ảnh hưởng.
Điển hình tại tỉnh Đăk Lăk, thời gian bùng phát dịch lần thứ 4 đúng vào thời điểm thu hoạch chính vụ các mặt hàng trái cây của nông dân địa phương. Theo thống kê của của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk, năm 2020 diện tích cây ăn trái đạt 28.416ha, tăng 18.526ha so với năm 2015. Bà con nông dân trong tỉnh trồng hai loại cây phổ biến và có diện tích trồng lớn là sầu riêng và bơ. Cả hai loại này hiện nay đều đang vào chính vụ thu hoạch. Trong đó, sầu riêng có hơn 12.000ha; có khoảng hơn 5.300ha cây đang cho trái, với sản lượng 103 nghìn tấn, chủ yếu là giống Ri6, Dona, với chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Diện tích cây bơ khoảng 9.000ha, trong đó có 5.400ha cho thu hoạch, sản lượng khoảng 82 nghìn tấn… Riêng 2 loại bơ Booth và bơ Hass vào vụ thu hoạch từ giữa tháng 8 hàng năm, sản lượng ước tính khoảng 40 nghìn tấn.
Chính quyền địa phương tích cực vào cuộc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản |
Niên vụ này, dịch bệnh bùng phát mạnh ngay thời điểm các loại trái cây vào mùa thu hoạch đã làm ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ. Hiện trên địa bàn giá các loại trái cây đều giảm mạnh. Đơn cử, giá trái dứa trung bình 5.000 - 6.000 đồng/kg, giảm sâu so với năm 2020; xoài giữa vụ chỉ với giá từ 2.000 - 5.000 đồng/kg; giá bơ có thời điểm xuống còn 6.000 đồng/kg, trong khi niên vụ trước trung bình khoảng 30.000 đồng/kg. Các loại sầu riêng, giá bán cũng giảm sâu so với năm trước. Giá trái bơ cũng xuống thấp, như bơ 034 hiện bán ra có giá 16.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Điều đáng nói là hàng tiêu thụ rất chậm.
Các giải pháp cấp bách
Giá các mặt hàng sụt giảm sâu ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người nông dân trồng các loại cây ăn trái. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người tiêu dùng hạn chế ra ngoài và tiêu dùng nên lượng tiêu thụ giảm, việc vận chuyển và phân phối cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến, bảo quản trái cây, rau củ quy mô lớn; hệ thống kho lạnh bảo quản công suất lớn cũng chưa có. Vậy nên trái cây của bà con nông dân chủ yếu được phân loại, sơ chế và xuất đi tiêu thụ tươi.
Trước tình hình này, mới đây UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành kế hoạch tiêu thụ bơ, sầu riêng trên địa bàn niên vụ năm 2021 với 2 phương án. Thứ nhất, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát thì 80% sản lượng bơ, khoảng 32.000 tấn và 20% sản lượng sầu riêng, khoảng 21.000 tấn sẽ tiêu thụ trong nước. Dành cho thị trường xuất khẩu khoảng 8.000 tấn bơ và khoảng 72.000 tấn sầu riêng. Dự kiến sản lượng sầu riêng bóc tách, cấp đông, bảo quản lạnh 10.000 tấn.
Thứ 2, nếu dịch Covid-19 ảnh hưởng hết sức phức tạp, chính quyền địa phương sẽ tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ bơ, sầu riêng. 90% sản lượng bơ được tiêu thụ trong nước, với khoảng 36.000 tấn, 10% xuất khẩu, khoảng 4.000 tấn. 36% sản lượng sầu riêng được tiêu thụ trong nước (khoảng 37.000 tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 51.000 tấn). Dự kiến sản lượng bóc tách, cấp đông, bảo quản lạnh 15.000 tấn sầu riêng.
Kênh tiêu thụ nội địa sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart & Vinmart+, MM Mega Market, Aeon, Lotte, Coop.mart, CoopFood, Intimex, Fivimart, Citimart, Vincom; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ phục vụ cho tiêu thụ lưu động; tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò, Alibaba, Amazon, Sendo, Shopee…), kinh doanh online; kêu gọi, hỗ trợ từ các tỉnh, thành trong cả nước…
Đồng thời, UBND tỉnh Đăk Lăk yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố lập danh sách và kiểm tra y tế đối với tất cả các vùng trồng bơ, sầu riêng của doanh nghiệp; trang trại, tổ hợp tác và hợp tác xã trồng bơ, sầu riêng phải bảo đảm an toàn dịch bệnh; lấy mẫu xét nghiệm với nhân công, lao động từ các địa phương khác đến tham gia thu hái sầu riêng, đóng gói, vận chuyển; xây dựng phương án cụ thể việc huy động lực lượng cho công tác thu hoạch, sơ chế, đóng gói bơ, sầu riêng trên địa bàn.
Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và tham mưu UBND tỉnh Đăk Lăk đề nghị các địa phương trong nước tạo điều kiện cho người, phương tiện vận chuyển bơ, sầu riêng của Đăk Lăk đi qua địa bàn, đến nơi tiêu thụ.
Cùng với đó, Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm nhu cầu về tiêu thụ nông sản để thực hiện kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ bơ, sầu riêng trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, phù hợp với diễn biến, tình hình dịch Covid-19. Đồng thời, thường xuyên thực hiện công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến tiêu thụ bơ, sầu riêng của tỉnh niên vụ năm 2021.
Hiện địa phương và doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị phương án tiêu thụ. Đã có 7 doanh nghiệp lớn và hơn 40 DNNVV đã liên hệ cam kết thu mua bơ và sầu riêng cho bà con.
Trước đó, UBND tỉnh Đăk Lăk kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương hỗ trợ kết nối với các sàn giao dịch điện tử, hướng dẫn triển khai các hoạt động kết nối tiêu thị trên môi trường số, đưa sản phẩm bơ, sầu riêng của địa phương lên các sàn thương mại điện tử; giới thiệu kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp phân phối lớn để thúc đẩy tiêu thụ bơ và sầu riêng. Hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách tiêu thụ nông sản của Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá của địa phương đi qua và đến các tỉnh, thành trong cả nước…