Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn
Tháo gỡ khó khăn để tiêu thụ nông sản | |
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử | |
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản |
Hiện tại có tới 70% sản lượng nông sản (rau, quả) của nhiều huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được tiêu thụ tại thị trường tự do. Trong số đó, có rất nhiều nông sản đạt tiêu chuẩn về an toàn với đầy đủ các chứng nhận.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội, do dịch Covid-19 nên nhiều sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP không tiêu thụ được. Do vậy cần tăng cường sự kết nối các chủ thể với các đơn vị hữu quan nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm an toàn cũng như sản phẩm OCOP để ổn định đời sống người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Cần có giải pháp để các sản phẩm OCOP được vận chuyển, cung ứng theo các chuỗi |
Bà Hoàng Thị Thúy Nga, Phó trưởng phòng kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, huyện có 49 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP trong đó có 8 sản phẩm 3 sao, 36 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 5 sao và rất nhiều sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP.
Bình quân hàng năm, huyện Gia Lâm đưa ra thị trường 69 nghìn tấn rau và 65 nghìn tấn quả. Một số sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và có thương hiệu trên thị trường như ổi Đông Dư, chuối Kim Sơn…
Đặc biệt, sản phẩm rau Văn Đức và Đặng Xá đã được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản bình quân mỗi năm xuất được 800-1.000 tấn.
Tuy nhiên, sản lượng rau, quả được kết nối ký kết hợp đồng tiêu thụ vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, trường học chỉ chiếm tỷ lệ thấp (20-30%).
Theo bà Hoàng Thị Thúy Nga, trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, huyện Gia Lâm đã phát động các phòng, ban, ngành đoàn thể, các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Nhưng sản lượng nông sản trên địa bàn huyện còn tương đối lớn.
Ông Trần Hữu Khoa - Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Thành (Quốc Oai, Hà Nội), năm 2021 sản lượng nhãn của HTX đạt khoảng 3.500 tấn và đã xuất khẩu đi một số nước. Do dịch bệnh Covid-19 nên việc kết nối tiêu thụ nhãn trên thị trường gặp nhiều khó khăn. Mặc dù được sự hỗ trợ của các ban, ngành chức năng nhưng đến nay vẫn còn khoảng 2.000 tấn nhãn chưa tiêu thụ được.
Còn bà Hoàng Diệu Thu, huyện Ba Vì cho biết, Ba Vì có 5 sản phẩm nông nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ, cấp chỉ dẫn địa lý gồm: Sữa Ba Vì, chè Ba Vì, Miến dong Minh Hồng, Khoai lang Đồng Thái, Gà đồi Ba Vì. Các sản phẩm đã được đánh giá phân hạng OCOP có 47 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao. Hiện tại, dù có nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được cấp thương hiệu bảo hộ nhãn hiệu tập thể, có tem truy suất nguồn gốc, xong việc tiêu thụ sản phẩm tại Ba Vì còn gặp rất nhiều khó khăn. Các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua các kênh bán buôn của thương lái hoặc hộ sản xuất tự mang tới tiêu thụ tại các chợ đầu mối.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hiện nay nhiều sản phẩm có chất lượng, có đủ điều kiện tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. Tuy nhiên, để tham gia thị trường trên tất cả các kênh, trang mạng thì cần phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cần phải xác định sản xuất để gia đình mình sử dụng, nếu xác định sản phẩm dùng trong gia đình và sản phẩm bán ra thị trường có sự khác nhau thì chúng ta không thể vào thị trường. Chúng tôi có các phòng Lab để kiểm tra chất lượng sản phẩm, chất bảo quản thực phẩm. Các nhà sản xuất cần phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm theo các giấy phép được cấp như giấy phép an toàn VietGAP, Global GAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín thì sản phẩm mới đứng vững trên thị trường. Các DN sản xuất phải luôn duy trì thời hạn chứng nhận sản phẩm an toàn thì sản phẩm mới vào được hệ thống bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu cho biết thêm.
Các chủ thể OCOP phải vận hành bộ máy quản lý đồng bộ từ khâu marketing, khâu sản xuất, giới thiệu sản phẩm, phân phối để sản phẩm tham gia vào thị trường một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, nâng cấp công nghệ phục vụ bán hàng trên mạng, phục vụ thị trường.
Với các địa phương, chính quyền cần có sự giám sát với các HTX trong quá trình sản xuất luôn tuân thủ các giấy tờ được cấp, phải được kết hợp đồng bộ nhằm đảm bảo uy tín đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Ông Trần Mạnh Chiến, chủ thương hiệu Bác Tôm cho rằng, các nhà sản xuất cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm nhiều hơn nữa. Tuy dịch bệnh nhưng nhiều người vẫn quan tâm đến thực phẩm sạch, thậm chí cao hơn bình thường chưa dịch.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ít quan tâm đến bao bì nhãn mác của sản phẩm. Có nhà sản xuất lại đưa ra quá nhiều thông tin trong khi thông tin chính của sản phẩm lại quá sơ sài.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện trong từng kịch bản khác nhau trong điều kiện bình thường cũng như trong điều kiện giãn cách, làm thế nào để tiếp tục sản xuất, làm sao để các sản phẩm OCOP được vận chuyển, cung ứng theo các chuỗi.