Nông sản tấp nập lên... “chợ mạng”
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, lưu thông, xuất khẩu nông sản | |
Tháo gỡ khó khăn để tiêu thụ nông sản | |
Sàn thương mại điện tử vào cuộc |
“Phao cứu sinh” giữa mùa dịch
Những tác động của đại dịch Covid-19, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho nông sản đang được đẩy mạnh, tạo sự liên kết trong cân đối cung - cầu... Trong đó, việc phân phối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử, đang được xem là “phao cứu sinh” giữa mùa dịch.
Bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử giúp giảm bớt áp lực trong khâu tiêu thụ |
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt các sản phẩm nông sản đã đưa được lên các trang thương mại điện tử. Trong đó, tại Nghệ An theo thống kê của các cơ quan chức năng địa phương năm nay diện tích trồng cây cam Vinh của toàn tỉnh lên đến 5.254 ha, sản lượng thu hoạch ước tính trên 58 nghìn tấn. Trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, tiêu thụ cam Vinh trên địa bàn tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trong đó có cam Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ cam Vinh trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 thông qua sàn thương mại điện tử. Theo đó, cam Vinh sẽ được đưa lên các sàn thương mại điện tử như: Viettel, Postmart, tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản bằng hình thức trực tuyến trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân quy trình bán hàng trực tuyến, marketing, chăm sóc khách hàng qua các chợ online...
Tương tự, bưởi Phúc Trạch một đặc sản của Hà Tĩnh cũng đã được đưa lên “chợ mạng”. Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa phối hợp với Sở Công thương Hà Tĩnh tổ chức phân phối bưởi Phúc Trạch thông qua chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” và trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Voso, Postmart, Sendo, Shopee, Tiki, Lazada... Đây là năm đầu tiên bưởi Phúc Trạch được đăng ký gian hàng trên nhiều sàn thương mại điện tử lớn, trong bối cảnh được mùa song khâu tiêu thụ gặp khó do dịch bệnh. Theo ông Võ Tá Nghĩa - Phó giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, dịch bệnh khiến vận chuyển gặp khó khăn, việc bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp người dân giảm bớt áp lực trong khâu tiêu thụ do dịch bệnh như hiện nay. Bưởi Phúc Trạch được bán trên sàn thương mại điện tử với mức giá từ 30 đến 70 nghìn đồng/quả tùy loại...
Tại Ninh Thuận, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa sản phẩm nho xanh của địa phương lên sàn giao dịch thương mại điện tử Sendo, nỗ lực này nhằm quảng bá và phân phối sản phẩm đến với khách hàng trên môi trường số. Để mua sản phẩm nho xanh Ninh Thuận, người tiêu dùng có thể trực tiếp vào ứng dụng của Sendo hoặc truy cập: https://www.sendo.vn/su-kien/nong-san-sach/để đặt mua. Đây là sản phẩm chất lượng cao, có đầy đủ chứng nhận an toàn thực phẩm được cấp bởi cơ quan chức năng.
Tạo thói quen cho bà con
Trong khi đó tại khu vực Tây Nguyên, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông, tiêu thụ nông sản. Trong bối cảnh đó, các địa phương trong khu vực cũng đã chủ động tìm kênh phân phối, kết nối tiêu thụ hàng chục ngàn tấn bơ, sầu riêng thông qua sàn thương mại điện tử... Trong đó, các sản phẩm bơ, sầu riêng của Đắk Lắk đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Sendo hay Voso với rất nhiều doanh nghiệp tham gia phân phối.
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành tìm hướng đầu ra cho nông sản. Đồng thời cũng kiến nghị các bộ, ngành, Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giới thiệu, hỗ trợ, kết nối nông sản cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo này, các sở, ngành trong tỉnh đã kết nối các sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị lớn để giúp tiêu thụ các sản phẩm nông sản.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử không chỉ là “phao cứu sinh”, mà còn là kênh tiêu thụ lâu dài tạo kết nối chặt chẽ trong chuỗi cung ứng nông sản trong nước. Thay vì phương thức bán hàng truyền thống như mang ra chợ, bán cho thương lái… giờ đây chỉ cần có smartphone kết nối với Internet bà con có thể dễ dàng đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện đơn vị đã xây dựng chương trình hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu trên các sàn thương mại điện tử. Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” quốc gia do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng với mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, như một “siêu thị hàng Việt uy tín” trên các sàn thương mại điện tử, theo các hình thức khác nhau nhằm hỗ trợ tiêu thụ các nông sản, hàng Việt đến tay người tiêu dùng trên cả nước. Trước đó, để giải quyết những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost) cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream).
Tuy nhiên, việc bán nông sản qua sàn thương mại điện tử cũng sẽ vấp phải một số khó khăn. Trong đó, thói quen tiêu dùng lâu nay là mua trực tiếp, nhằm kiểm tra thực tế nông sản. Nếu mua online qua các sàn thương mại điện tử, người mua cần sự kiểm định của cơ quan chức năng, cam kết của các đơn vị trong chuỗi cung ứng, cũng như từ chính các hợp tác xã, người nông dân. Đặc biệt, với nhiều người nông dân việc đưa các sản phẩm của hộ gia đình bán trên sàn thương mại điện tử vẫn chưa trở thành thói quen. Nhiều bà con chưa tiếp xúc với bán hàng online nên còn nhiều bỡ ngỡ khi thực hiện các thao tác và xử lý đơn hàng trên sàn, sử dụng công nghệ... Bởi vậy, để tiếp tục đưa nông sản lên “chợ mạng” các cơ quan chức năng cần tăng cường sự phối hợp hỗ trợ người dân, hợp tác xã, cơ sở trực tiếp sản xuất nông sản. Trong đó, cần định hướng tạo thói quen bán hàng qua sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân được xem là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị và mở rộng thị phần tiêu thụ nông sản của người dân tại thị trường nội địa trước mắt trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay cũng như về lâu dài.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)