“Hơi thở” của Chỉ thị số 40 nhìn từ thành phố đáng sống (Bài 3)
“Hơi thở” của Chỉ thị số 40 nhìn từ thành phố đáng sống (Bài 2) “Hơi thở” của Chỉ thị số 40 nhìn từ thành phố đáng sống (Bài 1) |
Bài 3: Hiệu quả đồng vốn, tạo động lực phát triển...
Đến Đà Nẵng, nhiều người nghĩ ngay đến Bà Nà, núi Ngũ Hành Sơn hay bãi biển đẹp nhất hành tinh Mỹ Khê - Sơn Trà... Ít ai nghĩ rằng Đà Nẵng có một nông thôn rộng lớn nằm ven đô. Với đa dạng các hoạt động sản xuất và đóng vai trò không nhỏ trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội.
Hiệu quả thiết thực
Đặc biệt, với một vùng đất trung du, đồi núi trù phú phía Tây Đà Nẵng. Nơi đây phù hợp với phát triển đa dạng các ngành nghề từ tiểu thủ công nghiệp đến sản xuất nông nghiệp… Thời gian trước, nơi đây chưa được đánh thức, đa số người dân nơi đây vẫn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn không trang trải đủ nhu cầu hàng ngày.
Tín dụng CSXH góp phần giúp gần 10 ngàn hộ vượt ngưỡng nghèo, gần 15 ngàn lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) |
Gần đây, sự đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giúp vùng đất này được hồi sinh từng ngày. Tạo điều kiện cho khu vực này thay đổi diện mạo từ điện, đường, trường, trạm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của bà con được chính quyền ưu tiên đầu tư phát triển…
Trong đó, NHCSXH TP. Đà Nẵng có những hoạt động thiết thực, kịp thời hỗ trợ, giúp người dân có nguồn vốn để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; các hộ nghèo, hộ sản xuất có điều kiện tiếp cận vốn để xây dựng nhà cửa, tạo việc làm, có thu nhập để ổn định đời sống; con cái họ có đủ đầy sách vở mới, chi phí để tiếp tục đến trường.
Tại làng nghề đá mỹ nghệ trang trí Hoà Sơn, anh Nguyễn Thành Luân, chủ cơ sở sản xuất đá ở xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang chia sẻ, thời gian qua chính nhờ nguồn vốn ưu đãi vay từ NHCSXH giúp cơ sở đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất đá; từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Nhờ NHCSXH kịp thời cho vay vốn để đầu tư vào máy móc, thiết bị đã giúp anh Nguyễn Thành Luân duy trì công ăn việc làm người lao động. |
Anh Luân nói thêm, trong lúc những khó khăn, ví như bị ảnh hưởng trận mưa lụt lịch sử tháng 10/2022, hoạt động sản xuất tưởng chừng như tê liệt. Song nhờ NHCSXH kịp thời cho vay 100 triệu đồng để đầu tư vào hoạt động sản xuất. Nhờ đó, máy móc, thiết bị được sửa chữa đưa vào hoạt động trở lại, duy trì công ăn việc làm người lao động. Sự hỗ trợ vốn vay nhanh, thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, thời gian cho vay dài, nên gia đình cũng yên tâm.
Còn ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc NHCSXH huyện Hoà Vang chia sẻ, hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn mang lại hiệu quả hết sức ấn tượng, giai đoạn 2014-2024 NHCSXH giải ngân cho vay trên 1.700 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 34 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, nâng tổng số hộ còn dư nợ 17.120 hộ.
Đặc biệt, tín dụng CSXH góp phần giúp gần 10 ngàn hộ vượt ngưỡng nghèo, hơn 6 ngàn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, gần 15 ngàn lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, gần 52 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng và cải tạo đạt chuẩn quốc gia; 142 hộ vay vốn xây nhà chống bão, 300 cán bộ công chức, lực lượng vũ trang… có thu nhập thấp vay vốn mua nhà ở xã hội, xây mới nhà ở. Tín dụng CSXH là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Cùng với tăng trưởng, chất lượng tín dụng CSXH tại TP. Đà Nẵng không ngừng nâng lên, nợ quá hạn, nợ khoanh được kiểm soát tốt và giảm dần qua các năm |
Theo Văn phòng huyện uỷ Hoà Vang, đến nay NHCSXH huyện triển khai 22 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ 956 tỷ đồng, với 12.120 khách hàng còn dư nợ. So với trước khi có Chỉ thị số 40, tổng dư nợ tăng trên 290%. Cùng với tăng trưởng, chất lượng tín dụng CSXH không ngừng nâng lên, nợ quá hạn, nợ khoanh giảm dần hàng năm, nợ quá hạn chỉ còn 16 triệu đồng, tỷ lệ 0,016%/tổng dư nợ; nợ khoanh 59 triệu đồng tỷ lệ 0,0061% trên tổng dư nợ. Có thể khẳng định, tín dụng CSXH góp phần mang lại cuộc sống ấm nó đối với người dân, đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới của huyện.
Tính nhân văn sâu sắc
Không riêng Hoà Vang, để phát triển và đẩy lùi cái nghèo, cái khó, chính quyền Đà Nẵng dành sự quan tâm lớn cả về chính sách và nguồn lực, cùng với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân theo hướng bền vững. Các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” được Đà Nẵng xây dựng và triển khai thực hiện, đến nay mang lại nhiều giá trị nhân văn sâu sắc và tạo nên thương hiệu “Thành phố đáng sống” riêng có của Đà Nẵng.
Hộ anh Thông được vay vốn từ NHCSXH đã giải quyết cơ bản về bài toán thuê mặt và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh |
Để đạt được mục tiêu đó, Đà Nẵng xác định một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện thành công chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội là sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng thông qua hệ thống NHCSXH.
Từ nguồn tín dụng này, hàng chục ngàn lượt hộ vay vốn vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Để mục sở thị hiệu quả từ các chương trình tín dụng CSXH đã triển khai thực hiện, cán bộ NHCSXH quận Thanh Khê đưa người viết đi thăm một số hộ vay vốn tại phường Xuân Hà. Ông Nguyễn Văn Chúc, Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Xuân Hà chia sẻ, nguồn vốn vay của NHCSXH mang lại hiệu quả mang tính nhân văn sâu sắc, cải thiện đời sống của nhiều hộ vay. Hội CCB phường tích cực hỗ trợ cho nhiều hộ vay, các hộ đều sử dụng đúng mục đích. Nguồn vốn ưu đãi giúp cuộc sống của các hộ khá lên; đặc biệt các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững.
Điển hình như hộ vay Nguyễn Ngọc Thông, là một trong số hộ đặc biệt nghèo, sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi. Gia đình anh Thông làm nghề nhôm kính, có 4 nhân khẩu. Trước đây, do không có vốn nên chỉ nhận công việc nhỏ lẻ và sử dụng mặt bằng công cộng ở khu dân cư để sản xuất gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn, bà con trong khu dân cư nhiều lần phản ánh nhưng vì mưu sinh nên anh Thông vẫn làm.
Song từ năm 2020, khi tiếp cận được nguồn vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH , hộ anh Thông vay 100 triệu đồng để đầu tư mua sắm máy móc trang thiết bị và mở rộng cơ sở sản xuất. Có vốn anh Thông mạnh dạng thuê 100m2 mặt bằng và nhận được các công trình lớn hơn. Khi công việc nhiều, cơ sở sản xuất thuê thêm nhân công, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động. Vợ anh Thông cũng tham gia làm công tác quản lý, kế toán cho xưởng. Từ khi có vốn, công việc sản xuất của anh Thông thuận lợi hơn, hàng tháng, trả lãi và gửi tiết kiệm 2 triệu đồng đều đặn để hoàn trả tiền gốc đúng hạn. Hiện gia đình anh Thông đã thoát nghèo bền vững.
Anh Thông phấn khởi chia sẻ, để có được cuộc sống ngày nay, ngoài sự nổ lực vượt lên, còn có sự hỗ trợ đắc lực của tổ vay vốn NHCSXH, Hội CCB, UBND phường Xuân Hà và các hội đoàn thể. Đặc biệt, nguồn vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH mang tính nhân văn, giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo bên vững, một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, cần phát huy, nhân rộng hơn nữa.
Nhiều đoàn viên thanh niên sau khi ra trường khởi nghiệp thành công cũng chính nhờ sự trợ lực từ tín dụng CSXH |
Hay như hộ chị Nguyễn Thị Lai, ở phường Thanh Khê Tây, gia đình đông con, có hoàn cảnh thuộc diện khó khăn nhất nhì của địa phương. Hộ chị Lai với 5 đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi học và nuôi mẹ già đau ốm. Gia đình chị Lai quanh năm vất vả, lam lũ chỉ đủ lo cơm hàng ngày.
Chi Lai cho hay, nỗi ám ảnh lớn nhất là cứ vào đầu mỗi năm học, gia đình lại lo lắng kiếm tiền, vay mượn, lo chi phí đầu năm học để các con đến trường. Tương lai của các con, tưởng như đóng lại ở việc học hết cấp 3 đã khó, chưa nói đến lên đại học.
Chị Lai xúc động, thế nhưng “phép màu” đã đến. Được sự hướng dẫn của Tổ TK&VV, gia đình được vay từ NHCSXH quận Thanh Khê, với tổng số tiền 50,9 triệu đồng để đóng học phí và trang trải chi phí học tập học tập trong 5 năm đại học đứa con gái lớn.
“Vợ chồng tôi đã bảo với các con giờ đây có NHCSXH giúp đỡ, nên không được nghĩ đến chuyện bỏ học. Các con cố gắng chỉ có con đường học và học thật giỏi mới thoát khỏi cái nghèo. Thấy vậy, 4 đứa con tiếp theo đều phấn đấu và vươn lên trong học tập, đều học hết cấp 3 và quyết tâm thi đỗ vào các trường đại học. Tổng số tiền gia đình vay chương trình HSSV 128,7 triệu đồng. Nhờ đó, 5 con tôi tiếp tục được bước vào đại học trở thành người có ích cho xã hội. Gia đình bớt khó khăn vươn lên thoát nghèo” - chi Lai chia sẻ.
Hiện các con của chị Lai đã ra trường, đều có công việc ổn định và bắt đầu phụ trong việc trả nợ cho NHCSXH; đã tiết kiệm và trả được một phần nợ 8 triệu đồng và đang tham gia gởi tiết kiệm tại tổ TK&VV được số tiền 3,3 triệu đồng.
Những chương trình cho vay của NHCSXH góp phần to lớn vào việc thực hiện thành công Chương trình “3 có” và “4 an” của TP. Đà Nẵng. Một trong những chương trình đã thực hiện khá thành công và được đánh giá cao là chương trình có nhà ở.
Song song với công tác xoá nghèo, tạo việc làm, đầu tư cho HSSV, thời gian qua, NHCSXH TP. Đà Nẵng tích cực triển khai chương trình vốn vay nhà ở xã hội, có hàng chục hộ dân đã hiện thực hoá giấc mơ có nhà ở. Điển hình như hộ vay Lý Thị Thanh Cường, phường Xuân Hà.
Chương trình cho vay nhà ở xã hội góp phần giúp TP. Đà Nẵng thực hiện thành công chương trình "3 có: Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị" |
Chị Lý Thị Thanh Cường chia sẻ, trước đây, cả gia đình sống trong căn nhà cấp 4 tạm bợ chỉ 31m2. Cứ mỗi lần đến mùa mưa bão, lại nơm nớp lo sợ. Thậm chí, có năm ảnh hưởng bão, cả gia đình phải di dời đến nơi tránh trú.
Khi kể về câu chuyện vay vốn, chị Cường còn nhớ như in ngày được giải ngân vốn, đó là 6/8/2019. Một ngày tốt lành làm thay đổi cuộc sống của gia đình… Chị Cường kể, được sự giúp đỡ của Tổ TK&VV, UBND phường Xuân Hà, NHCSXH cho vay 200 triệu đồng. Cùng với số tiền 150 triệu đồng dành dụm, gia đình xây dựng mới được ngôi nhà 2 tầng khang trang, với tổng chi phí hơn 350 đồng. Tổng diện sử dụng 62m2, gia đình yên tâm chổ ở, an cư, ổn dịnh cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế gia đình. Cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước thông qua NHCSXH bằng nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp người nghèo có chổ ở ổ định. Nếu như không có sự giúp đỡ này, có lẽ gia đình sẽ rất khó làm được nhà mới...
Hay như trường hợp của chị Lê Thị Mai, công tác tại Khoa Sử - Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng. Trong căn hộ mơ ước tại Khu chung cư Phong Bắc, chị Mai tỏ ra rất hạnh phúc.
“Khi biết chương trình vay vốn để mua nhà ở xã hội từ nguồn vốn của NHCSXH TP. Đà Nẵng, tôi mạnh dạn liên hệ và được giải quyết tháo đáo. Cũng từ đây, cuộc sống của tôi sang trang mới. Chấm dứt một thời gian dài ở trọ trong các căn phòng trọ ọt ẹt, ẩm thấp. Chương trình vay vốn giúp tôi an cư lạc nghiệp, một khát vọng của không biết bao nhiêu người có cùng cảnh ngộ... Nhìn lại khoảng thời gian qua, tôi thấy thực sự may mắn và luôn biết ơn các cấp chính quyền giúp đỡ, ngân hàng hỗ trợ và xét duyệt cho hưởng thụ chương trình vay vốn nhà ở xã hội này” chị Mai chia sẻ.
Ông Hồ Kỳ Minh ghi nhận, nguồn vốn tín dụng CSXH trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách. Nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách địa phương, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng CSXH.
Nhiều tổ chức, cá nhân tại TP. Đà Nẵng đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương ghi nhận sự nỗ lực trong việc đưa Chỉ thị 40 đi vào cuộc sống |
Thực tế ghi nhận, tín dụng CSXH tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích học sinh sinh viên vươn lên trong học tập, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nhiều hộ gia đình có chỗ ở ổn định...
Các chương trình tín dụng CSXH góp phần cùng thành phố hoàn thành vượt kế hoạch giảm nghèo hàng năm, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp cho người nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo.