Tăng nợ trong nước, giảm dần phụ thuộc
Tăng cường giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương | |
Nợ công và rủi ro cho vay lại | |
Đầu mối quản lý nợ công: Nên để Chính phủ phân công cụ thể |
Đảm bảo sự bền vững của nợ công
Nợ công tăng và khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài đang dần hạn chế, Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước và qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Và dù Chính phủ đã nỗ lực kéo dài kỳ hạn trái phiếu nhưng tỷ lệ trái phiếu dài hạn vẫn còn hạn chế, chi phí vay cao… Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại về bền vững tài khóa. Đây là những rủi ro của nợ công được nêu lên trong Báo cáo chi tiêu công của Việt Nam vừa được Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.
Báo cáo cho biết, dù nợ công hiện nay của Việt Nam đang nằm trong trần giới hạn Quốc hội cho phép, nhưng vấn đề đáng lo ngại là Việt Nam - một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua), và đang gặp những thách thức về cơ cấu nợ, kỳ hạn vay và lãi suất vay...
Dư địa ngân sách đang ngày càng mỏng, nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giảm xuống |
Tỷ lệ nợ trong nước tăng lên những năm qua là do Chính phủ đã chủ động hướng về nợ trong nước để giảm dần sự phụ thuộc vào vốn nước ngoài. Tăng tỷ lệ nợ trong nước còn giảm rủi ro tỷ giá và góp phần phát triển các thị trường vốn trong nước, đặc biệt là thị trường trái phiếu. Nhưng tỷ lệ nợ trong nước cao cũng tạo ra thách thức và rủi ro như đẩy tăng lãi suất trên thị trường tài chính, làm giảm đáng kể kỳ hạn danh mục nợ, dẫn đến tăng rủi ro tái cấp vốn. Và cũng vì nợ trong nước kỳ hạn không dài nên đẩy rủi ro đảo nợ tăng lên.
Nhìn lại nợ trong nước, ông Nguyễn Minh Tân (Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách – Bộ Tài chính) cho biết thêm, thị trường trái phiếu trong nước đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, theo hướng tỷ trọng trái phiếu do NHTM nắm giữ giảm dần (còn khoảng 77%), tỷ trọng do các nhà đầu tư dài hạn như công ty bảo hiểm tăng dần (khoảng 8,42%) và các tổ chức khác nắm khoảng 14%. Những số liệu này cũng cho thấy vẫn còn ít các nhà đầu tư dài hạn tham gia thị trường nên nhu cầu mua nợ trong nước có kỳ hạn dài hơn còn hạn chế.
Chính phủ đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm kéo dài kỳ hạn trái phiếu trong nước. “Kỳ hạn bình quân của trái phiếu chính phủ đã tăng lên 4,44 năm vào cuối năm 2015, so với 2,93 năm vào năm 2013”, ông Tân cho biết. Nhưng kỳ hạn này vẫn là ngắn so với kỳ hạn bình quân ở các quốc gia thu nhập trung bình và các quốc gia khác trong khu vực, theo WB.
Giám sát nợ tiềm ẩn
Bên cạnh những cải thiện trên, áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn, với khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn hạn chế như hiện nay.
Lưu ý về nợ công, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Tài chính) nhấn mạnh rằng, vấn đề nợ công không chỉ nhìn vào các con số báo cáo về nợ quốc gia (tính theo Luật Nợ công), mà còn phải quan tâm theo dõi sát, kiểm soát tốt vấn đề nợ ở 63 địa phương, không chỉ theo dõi kiểm soát nợ chính thức mà phải chú ý đến cả nợ dự phòng và nợ xây dựng cơ bản. “Kết quả kiểm toán và thanh tra cho thấy thực tế là nợ dự phòng còn lớn”, Thứ trưởng nói. Chuyên gia WB cho rằng nghĩa vụ nợ dự phòng - bao gồm những rủi ro tiềm ẩn từ các DN nhà nước và các ngân hàng - nếu hiện thực hóa, có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương.
Dư địa ngân sách đang ngày càng mỏng, nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giảm xuống và nợ thương mại tăng lên… nếu không được cải thiện, nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ, chi phí huy động vẫn như hiện nay thì cho dù tăng trưởng GDP đạt mức cao, tỷ lệ nợ công những năm tới cũng sẽ vượt trần 65%. Điều này sẽ khiến nợ công có thể mất tính bền vững ngay cả khi có những cú sốc nhẹ.
Với nợ công đang ở mức cao, Việt Nam còn ít dư địa để có thể vận dụng chính sách tài khóa nhằm đối phó với biến động chu kỳ. “Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc phải củng cố tình hình tài khóa và đẩy mạnh cải cách cơ cấu”, ông Sebastian Eckhardt - Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam phát biểu.
Để bảo đảm an toàn tài khóa và sự bền vững của nợ công, chuẩn bị sẵn sàng cho việc “tốt nghiệp ODA”, Việt Nam đã xác định thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm giảm bội chi ngân sách, tăng cường năng lực quản lý nợ công và giám sát rủi ro tài khóa, nâng cao lòng tin của nhà đầu tư, và tăng mức tín nhiệm quốc gia, giảm mức chi phí vay…
Báo cáo khuyến nghị cần tối ưu hóa chi phí và kéo dài kỳ hạn vay nợ, tận dụng tối đa các nguồn ODA ưu đãi, phối hợp tốt hơn với các nhà tài trợ để đảm bảo nguồn ODA được gắn kết chặt chẽ với các ưu tiên của Chính phủ. Đồng thời phát triển thị trường nợ trong nước - tiếp tục cải thiện hoạt động của cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, đa dạng hóa mạng lưới nhà đầu tư, cải thiện hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ thị trường. Biện pháp nữa là giảm phân tán trong công tác quản lý nợ thông qua tăng cường sự phối hợp trong quản lý nợ, hướng tới tập trung toàn bộ các chức năng quản lý nợ về một đầu mối duy nhất.