Huy động tổng lực để nền kinh tế bật dậy sau dịch
Ngành Ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ người dân và DN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, tổ chức ngày 10/4.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị |
Dịch Covid-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nước, các đối tác lớn của chúng ta đều bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Nhiều nước được dự báo gặp suy thoái kinh tế, kể cả Mỹ, Nhật Bản và EU nếu dịch không sớm kết thúc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc IMF, WB, các hãng xếp hạng tín nhiệm cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu. Kinh tế thế giới có thể mất tới hơn 5.000 tỷ USD... So với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 thì lần này thế giới khó khăn hơn nhiều. Một cú sốc toàn cầu, một cuộc suy thoái đang diễn ra nghiêm trọng nếu như dịch tiếp tục lan ra.
Đối với Việt Nam, do có độ mở nền kinh tế cao, dịch Covid-19 đã tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài đến hết quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.
Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do cầu của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn.
Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.
Về kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là rất cần thiết…
Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ về tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến có khoảng 98% DN đang hoạt động (khoảng 740.000 doanh nghiệp) thuộc diện được giãn thuế và tiền thuê đất với tổng mức khoảng 180.000 tỷ đồng.
Bộ cũng đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đây quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN để hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020 (theo lộ trình ban đầu thì dự kiến áp dụng từ 1/1/2021). Theo đó, dự kiến áp dụng thuế suất 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của DN, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất... Đồng thời phải đẩy mạnh sản xuất, cùng với xuất khẩu, phải chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân; phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành. Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm. Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch.
“Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế-xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.