Kênh bán hàng truyền thống vẫn chiếm lĩnh thị trường
Chợ truyền thống chuyển mình sang online | |
Chợ truyền thống có bị lãng quên? |
Chợ truyền thống, tiệm tạp hóa vẫn đang giữ thế “thượng phong” trong cuộc đua của ngành bán lẻ |
Sự lựa chọn hàng đầu
Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Có đến 9/10 người được hỏi (92%) cho biết, họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn.
Thực tế cho thấy dù siêu thị, cửa hàng tiện ích xuất hiện ngày càng nhiều nhưng chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ vẫn là sự lựa chọn của đại đa số người dân. Chị Hoàng Bích Ngọc (Long Biên, Hà Nội) cho biết, hàng ngày chị vẫn giữ thói quen đi chợ mỗi ngày để mua thực phẩm tươi sống cho gia đình, chỉ những đồ gia dụng, điện tử có giá trị lớn mới mua trong siêu thị.
“Dù hiện nay ở siêu thị cái gì cũng có, nhưng giá cả lại đắt hơn so với ngoài chợ, chất lượng mình thấy cũng như nhau, nhiều khi đồ ngoài chợ mua ở hàng quen lại tươi ngon, đảm bảo hơn trong siêu thị. Thay vì việc gửi xe, xếp hàng thanh toán ở siêu thị, mua ở chợ vẫn tiện và nhanh chóng hơn”, chị Ngọc chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế TS.Đinh Trọng Thịnh, đối với thị trường Việt hiện nay, do xuất phát từ nền nông nghiệp, thói quen của tiểu công nghiệp nên thị trường chợ truyền thống, tiệm tạp hóa vẫn chiếm lòng tin của đại bộ phận dân cư, dù cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân.
Bên cạnh thói quen “tiện đâu mua đấy” của người dân, chênh lệch về giá cả cũng là một thế mạnh của kênh bán lẻ truyền thống. Theo ông Thịnh, hàng hóa trong siêu thị luôn đắt hơn ngoài chợ vì phải chịu thêm chi phí thuê mặt bằng, nhân viên… vì thế sẽ không có sức hấp dẫn đối với đại đa số người tiêu dùng. Mặt khác, rõ ràng hàng hóa tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị chưa có tính đa dạng như chợ truyền thống, tiệm tạp hóa, vì vậy, dù các kênh bán lẻ hiện đại đang phát triển nhanh chóng nhưng cũng không thể thay thế vai trò của chợ truyền thống trong đời sống dân cư.
Thay đổi để giữ vững thị phần
Dù chiếm thế “thượng phong” trong cuộc đua bán lẻ hiện tại, nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của siêu thị, cửa hàng tiện ích, kênh bán hàng truyền thống cũng cần có những thay đổi để giữ vững sức cạnh tranh trên thị trường.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy kênh bán lẻ truyền thống tuy chiếm 74% thị phần nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ chiếm 1%/năm, trong khi các kênh bán lẻ hiện đại hiện mới chỉ chiếm 26% thị phần nhưng tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm. Bộ Công thương dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam đang chuyển dần sang xu hướng đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
Có thể thấy, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các thành phố lớn và cả vùng nông thôn. Bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như Big C, Vinmart, Bách hóa Xanh… đang ngày càng xuất hiện thêm nhiều tay đua mới trong cuộc cạnh tranh của bán lẻ hiện đại. Không chỉ tích cực tung ra nhiều ưu đãi, các siêu thị còn cung cấp các dịch vụ hiện đại như đi chợ online, giao hàng miễn phí…
Với sự phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh của hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, tiệm tạp hóa cũng đang cho thấy những bước chuyển mình để nhập cuộc. Theo khảo sát tại một số chợ, tiệm tạp hóa, nhiều cửa hàng đã mạnh dạn trang bị các phương tiện thanh toán hiện đại như máy POS, máy tính tiền bằng mã vạch để người mua hàng có thể thanh toán nhanh chóng và chính xác.
Tại quầy hàng ăn ở chợ, nhiều chủ quầy đã đưa sản phẩm của mình lên các ứng dụng giao hàng trực tuyến để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Ở các quầy bán mỹ phẩm, quần áo, việc đưa hàng hóa lên chợ online thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cũng được tích cực triển khai.
Theo chuyên gia kinh tế TS.Đinh Trọng Thịnh, đời sống của người dân đang ngày càng tốt lên, thu nhập khá lên sẽ đòi hỏi cao hơn về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, vì vậy sẽ giúp siêu thị, cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh hơn và sẽ có thị phần tốt hơn. Tuy nhiên kênh bán lẻ truyền thống vẫn sẽ chiếm lĩnh thị trường nhờ vào thói quen của người dân.
Thế nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào để cải thiện dịch vụ, giúp cho người dân mua bán tiện lợi hơn. Đơn cử như việc áp dụng công nghệ thanh toán hiện đại trong các tiệm tạp hóa và chợ truyền thống.
Theo ông Thịnh, đây là bài toán cần giải quyết để đảm bảo vừa phù hợp với xu thế hiện đại, đồng thời tạo điều kiện để phát triển kênh bán lẻ truyền thống. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cùng với việc đa dạng hàng hóa hiện đại cũng là những việc cần làm để chợ truyền thống, tiệm tạp hóa có thể giữ vững vai trò quan trọng trong ngành bán lẻ hiện đại.