Kéo giảm chi phí logistics - đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế
Tháo gỡ nút thắt về chi phí logistics Chi phí logistics tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu |
Đồng thời, khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam, nâng cao trình độ, đạt mức tiên tiến trong khu vực và thế giới, đưa ngành logistics vượt qua khó khăn, thách thức, từ đó, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
"Tuy nhiên, thực tế phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển. Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm và thiếu đồng bộ đang là “điểm nghẽn” khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng. Nhất là Việt Nam chưa có trung tâm logistics lớn, liên kết liên vùng chưa tốt; kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông trong vùng, giữa cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khu công nghiệp còn hạn chế; tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam còn cao. Điều này hạn chế sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế. Vì vậy, kéo giảm chi phí logistics trở thành một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế", ông Thành nhấn mạnh
Theo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, những vấn đề tồn tại của hệ thống logistics tại Việt Nam nói chung và tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng trước tiên có thể kể đến là quy hoạch, cơ sở hạ tầng kết nối chưa hoàn thiện, chưa được phát triển đồng đều và chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành. Trong đó, vận tải đường bộ vẫn là phương thức hoạt động chính, trong khi đó hạ tầng đường bộ đang bị quá tải, xuống cấp, các phương thức vận tải khác chưa được phát triển. Ở khu vực phía Nam, các dự án đường cao tốc, đường vành đai còn chậm tiến độ; chưa có quy hoạch phát triển kết nối đa phương thức (đường thủy, đường bộ, đường sắt) để tăng tính linh hoạt cho các hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu và góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cùng với đó, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, logistics chưa đồng bộ, chưa mang tính tập trung, chuyên môn hóa cao, gây lãng phí tài nguyên và làm tăng các chi phí…
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, hiện nay chỉ khoảng 20% số cảng biển tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi đó, hơn 50% số cảng biển phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics. Tương tự, hơn 50% số đường bộ đang trong tình trạng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa; hơn 40% số sân bay đang quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics. Ngoài ra, chỉ có khoảng 10% số cơ sở kho bãi tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi hơn 50% số cơ sở kho bãi phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics…
Điều đáng quan tâm, những hạn chế về hạ tầng kỹ thuật đã khiến cho chi phí logistics tại Việt Nam thiếu sức cạnh tranh, ước tính trung bình chi phí logistics của Việt Nam khoảng 25% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ và cao hơn các nước đang phát triển như Trung Quốc hay Thái Lan. Chính chi phí logistics này đã làm giảm hiệu quả những cố gắng của Việt Nam trong việc giới thiệu thị trường lao động giá rẻ và đẩy mạnh xuất khẩu. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là cơ sở hạ tầng vận tải của Việt Nam đã quá cũ kỹ và quá tải, hệ thống quản lý hành chính phức tạp và các nhà sản xuất Việt Nam không tích cực sử dụng các dịch vụ thuê ngoài 3PL (third party logistics) của nước ngoài.
Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan – Tổng Cục Hải quan cho rằng, sự phát triển kinh tế ở một quốc gia luôn thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động
logistics. Ở chiều ngược lại, sự phát triển của dịch vụ logistics sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc tiết giảm chi phí logistics của quốc gia đó. Đây cũng là điều rất quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập cao trên thế giới vào năm 2045, đúng theo định hướng của Chính phủ, đưa logistics trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Để tăng sức cạnh tranh cho lĩnh vực logistics, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển logistics thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Trong đó chú ý đến hình thành trung tâm logistics hiện đại, đáp ứng được tốc độ phát triển cao về thương mại điện tử của quốc gia nói chung và thành phố nói riêng; đào tạo nhân sự cho ngành dịch vụ logistics hiện đại. Cùng với đó, Tổng cục Hải quan sớm triển khai kế hoạch số hóa các thủ tục hải quan. Trước mắt, cần phải nâng cấp hệ thống, hoàn thiện các chương trình hiện có để đảm bảo yêu cầu quản lý tuân thủ và tạo thuận lợi thương mại. Cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics cần chủ động nâng cao năng lực, tuân thủ luật pháp và hợp tác chặt chẽ với cơ quan Hải quan để có thể tiếp tục rút ngắn thời gian thông quan và tiết giảm chi phí. |