Kéo giảm giá nhà vì lợi ích hài hòa của toàn xã hội
Giá nhà vẫn tăng khi thị trường trầm lắng Tính toán lại chi phí vốn để hạ giá nhà |
Trên thực tế, có không ít “đòi hỏi” chỉ mang tính một chiều thuận cho lợi ích doanh nghiệp chứ chưa thể hiện trách nhiệm chung đối với thị trường và nền kinh tế. Ở góc độ vĩ mô, các chính sách đưa ra luôn phải dựa trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” mới phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển chung của toàn xã hội, không thể “chiều” theo ý một nhóm ngành nào đơn lẻ. Các yêu cầu về vốn, tiếp cận vốn vay đều phải dựa trên ý chí pháp luật với những căn cứ cụ thể theo các quy định. Nếu không sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường.
Trước đó, tại Hội nghị Giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các chủ thể phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức, đồng lòng hơn lúc nào hết, trách nhiệm với đất nước, nhân dân, vì nền kinh tế. Tất cả phải hành động, tư tưởng phải thông với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2022 đến nay, để tăng cường sức chống, chịu của nền kinh tế đối phó hiệu quả với “các cơn gió ngược” do tác động từ đại dịch Covid-19 và các xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn cầu thì tất cả các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có các chủ trương, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thị trường đóng băng nhưng doanh nghiệp bất động sản không giảm giá bán để giải phóng hàng tồn |
Điển hình là Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Quốc hội đã thông qua các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật 2022, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trong năm 2023 và đang nỗ lực hoàn thiện các đề án Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng để sớm thông qua.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng trăm nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo điều hành để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, điển hình như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ được khó khăn, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “hạ cánh mềm”. Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó tháo gỡ được vướng mắc trong việc cấp “sổ hồng” cho condotel, officetel, Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn trong lúc chờ các Luật (mới) được ban hành và có hiệu lực.
Về phía ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 59/NQ-CP. Đồng thời, triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thương mại thông thường. Đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN về ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung bất cập của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN để tạo điều kiện cho các khách hàng tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 hội nghị để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, nhà đầu tư và Thủ tướng cũng đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Các Tổ công tác của Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương xem xét, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho hàng trăm dự án bất động sản, điển hình là TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố là Tổ trưởng, đến nay đã giải quyết được khoảng 30% trong tổng số 148 dự án bất động sản bị vướng mắc, khó khăn.
Nhận định một cách khách quan về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hầu như tất cả các kiến nghị, đề xuất mang tính hợp lý của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đều đã được các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, xem xét, giải quyết. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua và sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật nhằm xây dựng thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững và tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các văn bản dưới Luật cũng được triển khai quyết liệt. Từ đó, đã bước đầu tháo gỡ được một số vướng mắc, khó khăn trong công tác thực thi pháp luật của các địa phương, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, ở phía doanh nghiệp bất động sản trước tiên cần phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, nhanh chóng thực hiện cơ cấu lại phân khúc và giảm giá thành sản phẩm, song đến nay các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa triển khai tích cực. Như vậy, phải chăng các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thực sự nêu cao trách nhiệm, vai trò của mình đối với sự phát triển bền vững và lợi ích hài hòa của toàn xã hội.
Để trả lời câu hỏi này, các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản cần trả lời ngay bằng hành động cụ thể trong việc cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực và giảm giá bán nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.