Khó khăn lớn nhất là thiếu cán bộ
Tập đoàn, tổng công ty: Lợi nhuận năm 2019 tăng 28% so với kế hoạch | |
Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đánh giá các tổng công ty lâm nghiệp |
Đa số các tập đoàn đều kinh doanh hiệu quả trong năm 2019 |
Xuất khẩu 2 tỷ USD, nộp ngân sách 221 nghìn tỷ đồng
Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của UBQLVNN vừa diễn ra hôm 16/1 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Báo cáo về tình hình công tác năm 2019, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban cho biết: Ủy ban đã từng bước ổn định tổ chức bộ máy và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; quan hệ công tác giữa Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã dần đi vào nề nếp, theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định, đến ngày 31/3/2020 Ủy ban phải hoàn thành việc phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của các tập đoàn, tổng công ty. Nhưng đến giữa tháng 1, Ủy ban đã phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của 5/19 tập đoàn, tổng công ty.
Bên cạnh đó, Ủy ban đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xử lý những vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư phát triển của các doanh nghiệp. Theo đó, năm 2019 đưa vào vận hành nhiều dự án năng lượng tái tạo, trong đó có trên 4000 MW điện mặt trời; Triển khai được nhiều dự án quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng quốc gia trong tương lai như các nhà máy điện, các công trình lưới điện 500kV quan trọng, dự án kho cảng LNG...
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và các thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, trình Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành...
Về kết quả sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng cho biết, năm 2019, đa số các tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các chỉ tiêu do Ủy ban giao. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1.478.949 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2018; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 99.832 tỷ đồng, tăng 28% kế hoạch năm; tổng nộp ngân sách hợp nhất đạt 221.108,68 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2018; tổng kim ngạch xuất khẩu của một số sản phẩm của một số doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đạt 2,224 tỷ USD.
Trăn trở lớn nhất là thiếu nhân lực
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Ủy ban cũng nêu lên nhiều khó khăn, trăn trở. Trong đó khó khăn lớn nhất, theo ông Hồ Sỹ Hùng, đó là khối lượng công việc cần giải quyết là rất lớn mà Ủy ban chưa đủ về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực còn mỏng.
Trách nhiệm của Ủy ban rất lớn, phải bảo toàn, phát triển vốn, tài sản nhà nước. Nhưng theo cơ chế hiện nay, thu nhập của cán bộ, công chức Ủy ban không có gì đặc biệt hơn các bộ, cơ quan ngang bộ, vì thế khó thu hút được nhân lực có năng lực, trình độ và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu và tính chất quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.
Nhân sự cũng là vấn đề của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Ủy ban quản lý. Cơ chế bố trí, bổ nhiệm cán bộ quản lý doanh nghiệp chưa thật phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường; chưa nghiên cứu, sắp xếp lại để tối ưu hóa việc sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế trong Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty.
Bên cạnh đó, tại một số tập đoàn, tổng công ty hiện nay vẫn chưa đảm bảo đủ số lượng cán bộ lãnh đạo quản lý theo quy định. Có những cán bộ lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Mobifone và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn chưa có tổng giám đốc. Việc điều hành đang do phó tổng giám đốc phụ trách.
“Trong năm 2020 Ủy ban sẽ khẩn trương hoàn thiện bộ máy tổ chức và cán bộ của Ủy ban để bảo đảm thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao. Ủy ban cũng sẽ khẩn trương kiện toàn đội cán bộ quản lý, người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty còn khuyết các chức danh cán bộ quản lý hoặc cán bộ quản lý bố trí chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ...”, lãnh đạo Ủy ban cho biết. Giải pháp là thực hiện chế độ luân chuyển, điều động cán bộ có đủ điều kiện giữa Ủy ban với các tập đoàn, tổng công ty và giữa các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Trong năm 2020, Ủy ban cũng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó sẽ áp dụng các cơ chế và công cụ quản lý hiện đại vào công tác của Ủy ban trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhằm đưa ra những quyết định quản lý và cảnh báo rủi ro sát thực và kịp thời, phù hợp. Đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công Thương; tập trung rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp để chỉ đạo xử lý.
Ủy ban cũng sẽ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao, khẩn trương đổi mới quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, phù hợp hơn với cơ chế kinh tế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế…