Không để đại dịch “đóng băng” đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công: Không thể nói mà không làm | |
Khả năng cân đối vốn đầu tư công năm 2021 sẽ khó khăn | |
Có 10 bộ và cơ quan giải ngân vốn đầu tư công chưa được 10% |
Kéo dài thời gian giải ngân
Trong bối cảnh, cả nước từ người đứng đầu Chính phủ xuống tận chính quyền các địa phương đang quan tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thì việc Covid-19 bùng phát trở lại như thời gian qua, đã khiến một số địa phương ở khu vực miền Trung gặp khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Dự án Cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý phải dừng thi công do Covid-19 |
Tại Đà Nẵng, gần 1 tháng nay các công trình, dự án trên địa bàn phải dừng thi công để tập trung cho công tác phòng, chống Covid-19. Bởi vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công dường như chấp nhận cảnh “đứng bánh”. Tính đến ngày 15/8/2020, thành phố đã giải ngân hơn 3,7 nghìn tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch Trung ương giao và 30,3% thành phố giao. Con số này tăng hơn 1,5 nghìn tỷ so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu tới ngày 15/8/2020 đã giải ngân hơn 252 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch... Trước đó, nhiều công trình, dự án trọng điểm, động lực đã được địa phương đồng loạt khởi công, đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, có thể kể đến dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, dự án đường và cầu qua sông Cổ Cò, đường Vành đai phía Tây 2, nhà máy nước Hòa Liên...
Với hơn 3,7 nghìn tỷ đồng đã giải ngân tới thời điểm hiện tại, nếu so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 1,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế đến thời điểm này đầu tư công trên địa bàn lại đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. Trong vòng 1 tháng gần đây tốc độ giải ngân đầu tư công tăng thấp so với tháng trước do dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại. Để dồn toàn lực chống dịch, với mục tiêu hàng đầu là đẩy lùi đại dịch, thành phố đã buộc ngừng thi công tất cả các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn. Cụ thể, kể từ 0 giờ ngày 31/7/2020 chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố dừng thi công cho đến khi có thông báo mới; Đồng thời, triển khai thực hiện tổng vệ sinh, thu dọn công trường, phối hợp với các cơ quan chức năng góp phần phòng, chống dịch.
Trước tình trạng một số dự án trọng điểm “đóng băng”, ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến việc giải ngân vốn đầu tư công của địa phương trong những tháng cuối năm 2020. Do có những khó khăn, nên Đà Nẵng đã kiến nghị được kéo dài thời hạn thực hiện giải ngân đầu tư công so với quy định. Cụ thể, tại Hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ vào ngày 21/8/2020, lãnh đạo thành phố đã kiến nghị xin kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, với nguồn vốn ngân sách trung ương các năm trước kéo dài sang năm 2020 được phép kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2020 và vốn ngân sách trung ương năm 2020 được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021 theo quy định cũ. Bởi, theo quy định mới hiện nay, số vốn kéo dài sang năm 2020 phải giải ngân hết trong tháng 8 và kế hoạch vốn năm 2020 phải giải ngân trên 60% đến hết tháng 9/2020.
Quyết tâm đạt mức cao nhất
Đứng trước những khó khăn do đại dịch Covid-19, song chính quyền địa thành phố vẫn đặt quyết tâm phấn đấu thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt mức cao nhất. Trên thực tế, những ngày gần đây tình hình dịch bệnh trên địa bàn cũng đã có những chuyển biến tích cực. Dù vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường, song số ca lây nhiễm Covid-19 đang ít dần trong cộng đồng, cũng như tại các ổ dịch. Mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã giao Chủ tịch UBND các quận, huyện xem xét, quyết định việc cho phép thi công tại các công trình, dự án trên địa bàn quận, huyện quản lý (không phân biệt nguồn vốn). Trong quá trình thi công trở lại, chủ đầu tư, đơn vị quản lý xem xét kỹ lưỡng điều kiện thực tế, lập kế hoạch thi công đảm bảo phòng, chống đại dịch... Các công trình phải đảm bảo các điều kiện như, xa khu dân cư, thi công chủ yếu bằng máy móc, ít người, ít có khả năng lây lan dịch bệnh...
Bên cạnh đó, thành phố cũng đang chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục đầu tư, thanh quyết toán cũng như các giải pháp tăng cường thi công, gỡ vướng mặt bằng… để khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất. Đồng thời, Đà Nẵng cũng linh hoạt cho điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn đối với các công trình không có khả năng triển khai hoặc chậm triển khai, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí để bổ sung cho các công trình đã có quyết định phê duyệt quyết toán, có khối lượng hoàn thành, có khả năng giải ngân… Ngoài ra, để đẩy mạnh đầu tư công Đà Nẵng cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; xem xét tháo gỡ vướng mắc quy định chuyển tiếp vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 không quá 20%. Hiện, quy định này có những bất cập vì nhiều công trình vốn lớn đang triển khai đúng quy định thời gian phải chuyển tiếp sang giai đoạn sau...
Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại, HĐND TP. Đà Nẵng cũng đã rà soát, yêu cầu cắt giảm những công trình thừa vốn sau quyết toán, các công trình vướng đền bù giải tỏa chưa triển khai thi công và các công trình mới đến nay chưa hoàn thành các thủ tục để khởi công. Điều chỉnh tăng bổ sung vốn cho các công trình đã có quyết định phê duyệt quyết toán; các công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2020; tập trung vốn cho công tác đền bù giải tỏa... Nhờ thực hiện các giải pháp quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, mặt bằng nên kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 của Đà Nẵng rất khả quan, tình hình chỉ khó khăn khi dịch bệnh bùng phát trở lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, dòng đầu tư xã hội bị gián đoạn thì đầu tư công luôn được xem là “cứu cánh” nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời tạo động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế. Hy vọng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng với nhiều nỗ lực của mình TP. Đà Nẵng sẽ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt ở mức cao nhất.