Kiểm soát dịch tốt để người lao động yên tâm quay lại làm việc
Điều tiết, bổ sung lao động trong những trường hợp đặc biệt
Nhiều đại biểu đặt vấn đề, đại dịch COVID-19 đã tạo nên cuộc khủng hoảng xã hội, lao động và việc làm. Qua các số liệu về lao động, các vấn đề liên quan đến làn sóng dịch chuyển lao động tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm quay trở về quê đã làm thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp, tại các địa phương có nhu cầu lao động.
Trước thực tế đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi, để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, nhằm khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có định hướng gì để tham mưu giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động như nêu trên?; đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) hỏi Bộ và Chính phủ đã có những chính sách gì để hỗ trợ cho người lao động trở về quê để họ không bị bỏ lại phía sau…
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội |
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong Báo cáo 177 ngày 8/11 Bộ đã trình bày về các giải pháp, trong đó đề cập sâu vào các giải pháp gồm: Giữ chân người lao động; Thu hút người lao động quay trở lại; Giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi họ trở về mà không tìm việc làm ở nơi mới, nơi khác; Điều tiết, bổ sung lao động trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.
Trong đó, Bộ trưởng cho rằng quan trọng nhất là chúng ta phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương thu nhập cho người lao động; chăm lo an sinh thật tốt, có mức sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm (vấn đề nhà trọ, sinh hoạt, gửi, chăm sóc con cái…); đảm bảo an toàn về tính mạng và sức khỏe.
Để khắc phục lao động gián đoạn thiết hụt, 3 giải pháp căn bản phải thực hiện là giữ chân người lao động, thu hút lao động quay trở lại và điều tiết lao động. Trong đó về điều tiết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tính toán trong 3 kịch bản.
“Nếu kịch bản xấu nhất, chúng ta có phương án sẽ sử dụng một số sinh viên của một số trường. Trường hợp thứ hai, chúng ta tăng cường bồi dưỡng kỹ năng rất nhanh, khẩn trương để có thể sử dụng bộ phận thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và công an để cung cấp, tăng cường có tính chất cấp bách và tạm thời đối với một số địa bàn, một số lĩnh vực, một số công việc đặc thù mà cần lực lượng lao động gấp rút ngay. Còn về dài hạn, phải đào tạo, đào tạo lại và trách nhiệm doanh nghiệp cùng với Nhà nước chăm lo vấn đề này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Kiểm soát dịch tốt để người lao động yên tâm quay lại làm việc
Trao đổi, làm rõ thêm về vấn đề lao động sáng 11/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao để người lao động quay trở lại làm việc, vừa góp phần phục hồi sản xuất, vừa đảm bảo quyền lợi của công nhân và cả gia đình họ.
Qua đợt dịch này, có nhiều vấn đề đã bộc lộ ra, trong đó có những vấn đề đã tồn tại và được nhắc tới từ lâu nay. Ví dụ vấn đề nhà ở của công nhân, các công trình phúc lợi. “Chính phủ đã bàn và tới đây sẽ có một số chính sách, chương trình để báo cáo với Quốc hội, với các cơ quan có thẩm quyền”.
Trước mắt, người lao động đang quan tâm nhất đến những vấn đề cần giải quyết ngay bây giờ. Vì vậy, khoảng thời gian 1 tháng tới đây là 1 tháng vô cùng quan trọng.
Bởi nhìn kỹ lại, số lao động dịch chuyển trong đợt dịch vừa qua là khoảng 1,3 triệu người, thuộc 4 nhóm: Nhóm người lao động có hợp đồng chính quy, tương đối ổn định, dài hạn, làm ở các khu chế xuất, công nghiệp (nhóm này cơ bản doanh nghiệp vẫn trả một phần lương nên người lao động vẫn quay lại làm việc); Nhóm người lao động làm việc ở các xí nghiệp nhỏ, công trường, lao động không dài hạn và có tính thời vụ, khi dịch đến thì người thuê lao động không có cam kết dài hạn và không biết khi nào quay lại; Nhóm lao động tự do; và nhóm những người đi theo để phụ giúp cho các lao động chính (trông con, trông cháu giúp người lao động).
Phó Thủ tướng đã đưa ra một số vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên là phải kiểm soát dịch cho tốt. Bởi tâm lý của người lao động sợ nhất là quay lại làm việc, dịch bùng phát rồi lại phong tỏa như cũ. Qua đợt vừa rồi đã chứng kiến những chuyện ốm đau, mất mát. “Chúng ta phải có kế hoạch chi tiết trong một tháng tới đây để kiểm soát được dịch tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, hiện nay người lao động đang rất cần phải mở lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học. Vì đa phần công nhân có con nhỏ ở độ tuổi này. Đây không chỉ là vấn đề giáo dục mà chính là giải quyết cho người lao động. Về lâu dài hơn, người lao động muốn được hỗ trợ về nhà trọ, sự can thiệp của chính quyền để người thuê lao động trả một phần lương. Đồng thời, cần rà soát lại tất cả các quy định về phòng chống dịch sao cho an toàn nhưng không quá phức tạp, nhất là câu chuyện xử lý F1, F0 có trong doanh nghiệp một cách rất linh hoạt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, để thu hút lao động quay trở lại làm việc rất cần sự phối hợp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thực sự lo cho công nhân của mình, đừng làm hình thức. Để làm được, trước hết phải đưa ra quy định có tính chất tạm thời, nhưng thiết thực cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có nguồn lực hỗ trợ cho người lao động.
Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình cơ quan thẩm quyền, xem xét, thảo luận về việc tạm thời áp dụng trong một thời gian ngắn quy định đặc biệt về hạn chế số giờ làm việc. Bởi thời điểm cuối năm doanh nghiệp có nhiều đơn hàng. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng chính là tạo điều kiện gián tiếp cho người lao động.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cần có kết nối trong việc bố trí phương tiện đưa đón người lao động quay trở lại làm việc. Và cần xem xét có gói hỗ trợ riêng cho người lao động để tạo điều kiện để họ quay lại làm việc.
“Hiện nhiều tỉnh không ngại bỏ chi phí ra đưa người lao động quay trở lại địa phương”, Phó Thủ tướng cho biết và đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét phối hợp với các địa phương có gói hỗ trợ cho người lao động quay lại làm việc và với người nhà đi theo, như vậy sẽ giúp người lao động thêm yên tâm quay lại làm việc.
Về lâu dài, phải có chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, từng bước cơ cấu lại sản xuất và lao động, từ bỏ dần lao động giá rẻ để đi vào chuỗi có giá trị gia tăng cao hơn.
Cố gắng tăng lương hưu từ 1/1/2022
Đây là thông tin được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra trong trao đổi với các đại biểu khi được chất vấn về vấn đề này. Cụ thể, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đặt câu hỏi, người nghỉ hưu trước năm 1995 hiện nay đã cao tuổi và đang hưởng mức lương hưu quá thấp, đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết vấn đề này thế nào?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là một vấn đề mà phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV đã đặt ra và Nghị quyết 34 của Quốc hội cũng đã yêu cầu rất rõ với Chính phủ.
Vừa qua khi bàn vấn đề này, trước khi trình với Trung ương và trong kỳ này cũng đã báo cáo với Quốc hội, chúng ta tạm dừng việc cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, trong đề xuất của Chính phủ với Quốc hội vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu và đặc biệt quan tâm đến những người nghỉ hưu trước năm 1995, nhất là những người có lương hưu thấp.
“Thực hiện lời hứa này, Bộ Lao động thường xuyên phải tổ chức đánh giá và đã hoàn thiện hồ sơ. Cho đến giờ này Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên Chính phủ. Tôi tin rằng trong tháng 12 này thì sẽ trình với Thủ tướng để xem xét quyết định vấn đề này”, Bộ trưởng cho biết.
Cụ thể, nếu như chúng ta cho phép điều chỉnh lương hưu - trước đây dự kiến là ngày 1/7/2022, nhưng hiện nay trước tình hình tác động của đại dịch này, đời sống khó khăn của những người nghỉ hưu, Bộ đã đề xuất với Thủ tướng xin với Chính phủ cho phép điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1/1/2022, như vậy là đi trước 7 tháng.
“Chúng tôi dự kiến mức điều chỉnh là 7,4% và bắt đầu từ ngày 1/1/2022. Như vậy, tổng kinh phí để điều chỉnh lương hưu sẽ vào khoảng 12.650 tỷ, trong đó ngân sách nhà nước sẽ đầu tư và bổ sung cho người lao động nghỉ hưu trước năm 1995 là 3.648 tỷ và đối với những người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn dưới 2,5 triệu thì đề xuất bổ sung cho những đối tượng này để đảm bảo mặt bằng chung thấp nhất là 2,5 triệu”, Bộ trưởng nói và khẳng định lại: “Chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thiện được hồ sơ và cố gắng để đúng ngày 1/1/2022 được hưởng chính sách mới”.