Lo tăng trưởng “lỗi hẹn”
SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững, tăng vốn điều lệ lên 25.903 tỷ đồng | |
Công nghệ là “chìa khoá” tăng trưởng cho SME Việt Nam | |
Đề xuất mở rộng các nước miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam |
Nhiều thách thức lớn
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Để đạt mục tiêu này, về kinh tế, một trong các mục tiêu quan trọng cần đạt được là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân phải đạt khoảng 7%/năm.
Trên lộ trình hiện thực hóa mục tiêu này, cơ bản hình dung 1/2 chặng đường đầu sẽ chấp nhận tăng trưởng ở mức thấp hơn (Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm), đồng thời tạo được các nền tảng để tăng trưởng đạt mức cao hơn giai đoạn 2026-2030.
Một số dự báo theo “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” |
Thực tiễn kết quả đạt được trong những năm đầu của Chiến lược cho thấy mục tiêu này rất thách thức. Đơn cử năm 2023, với kết quả tăng trưởng khá thấp trong quý I (3,32%), thì việc đạt được tăng trưởng cả năm 6,5% là rất khó khăn.
Ngay cả khi đạt được mức tăng 6,5% trong năm nay, thì tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2023 mới đạt 5,7%. Như vậy để cả giai đoạn 2021-2025 có được tăng trưởng trong khoảng 6,5-7%, thì các năm 2024-2025 cần đạt tăng trưởng 7-7,5%/năm.
Rõ ràng điều này là không dễ dàng bởi những tác động dai dẳng của giai đoạn hậu đại dịch Covid, cuộc xung đột tại Ukraine ngày càng căng thẳng, lạm phát vẫn ở mức cao với đặc trưng giá hàng hóa cơ bản (đặc biệt là nhiên liệu) neo cao, triển vọng kinh tế toàn cầu kém sáng sủa, và các căng thẳng địa chính trị, thương mại vẫn có dấu hiệu gia tăng… Những yếu tố này khiến một nền kinh tế có độ mở lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 200% GDP) như Việt Nam đã, đang và sẽ còn chịu nhiều tổn thương.
Chưa kể, ở trong nước, nhiều vấn đề đã tồn tại từ trước cũng như nhiều vấn đề phát sinh mới khiến các động lực tăng trưởng suy giảm trong ngắn hạn và rất có thể tiếp tục kéo dài trong trung và dài hạn nếu không kịp thời hóa giải.
Chính vì vậy, mặc dù đánh giá rất cao về những kết quả đạt được và sự kiên cường của kinh tế Việt Nam giai đoạn trong và sau Covid (nhất là trong so sánh với các nền kinh tế khác trong khu vực và toàn cầu) nhưng cho đến nay, hầu hết các dự báo đều cho thấy tăng trưởng GDP năm 2024 khó có thể đạt mức 7%.
Đơn cử, báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) của ADB tháng 4 vừa qua dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,8%; báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo ở mức 6,6%.
Theo ông Vincent Koen, Phó vụ trưởng, Tổ chức OECD, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, điều mà rất ít quốc gia có thể đạt được trong giai đoạn đại dịch Covid vừa qua.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay còn nhiều bất ổn và thế giới vẫn tiếp tục lo lắng về những “cơn gió ngược” đã quan sát được với nhiều rủi ro và nguy cơ. Và những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, những bất ổn địa chính trị và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng… có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không chỉ ngay trong năm 2023 mà còn những năm tiếp theo.
Đối mặt và hành động
Cùng quan điểm nhưng ông Nguyễn Minh Cường, nguyên Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam lưu ý thêm, những vấn đề, điểm yếu mang tính cơ cấu và nội tại đã bộc lộ sau 3 năm chống chọi với đại dịch Covid vừa qua cũng sẽ là những rủi ro cản trở nền kinh tế trong quá trình phục hồi. Tuy nhiên chuyên gia này tin tưởng, Việt Nam vẫn có những lợi thế và triển vọng để có được tăng trưởng cao trong những năm tới.
Cụ thể theo ông Cường, để trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào 2030 thì GDP cần tăng trưởng 6,5-7%/năm trong suốt giai đoạn này. Việt Nam có những lợi thế: Kinh tế vĩ mô ổn định; nền kinh tế năng động, với thị trường quy mô 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng thuộc diện nhanh nhất châu Á… Việt Nam cũng có lợi thế về tiếp cận thị trường, thông qua một loạt FTA và cận kề với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc; có hoạt động thông thương với nhiều thị trường lớn hàng đầu thế giới…
“Với những lợi thế như vậy, việc đạt tăng trưởng 6,5%-7% đến 2030 là có thể thực hiện được”, chuyên gia này tin tưởng nhưng đồng thời lưu ý, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và cải cách thể chế.
Đây đều là những thách thức cùng lúc phải hóa giải để giúp củng cố nền tảng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Bởi nếu không có các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu thì sẽ hạn chế khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra trong cả giai đoạn tới. Trong khi đó, nếu không phát triển được hiệu quả và kịp thời khu vực kinh tế tư nhân thì mục tiêu tăng trưởng cũng khó đạt được.
Về vấn đề cải cách thể chế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần phải thúc đẩy mạnh hơn nữa bởi những lợi thế và thế mạnh mà mô hình tăng trưởng cũ đã tới hạn.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng lưu ý tới vấn đề nhân khẩu học khi dân số già hoá sẽ diễn ra nhanh trong tương lai gây áp lực tới chi tiêu công cho mạng lưới an sinh, bảo trợ xã hội, đặc biệt trong bối cảnh độ bao phủ của hệ thống hưu trí còn thấp và lao động làm việc tự do, lao động không có việc làm thường xuyên có xu hướng gia tăng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thành công trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng là nền tảng rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Báo cáo của OECD khuyến nghị, cần triển khai các dự án đầu tư công theo đúng kế hoạch để tránh những biến động nhu cầu ngoài dự kiến. Đặc biệt, cần tăng tốc thực hiện cơ sở hạ tầng giao thông hỗ trợ hoạt động logistics và kết nối liên vùng, để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng.
“Luật Đầu tư công năm 2019 đã đơn giản hóa các thủ tục và tăng cường phân cấp quản lý đầu tư, giúp tạo thuận lợi cho việc giải ngân. Cần xem xét đơn giản hơn nữa các thủ tục và quy định. Tuy nhiên, không được phép đánh đổi chất lượng của các dự án đầu tư để tăng tốc đầu tư công”, báo cáo lưu ý.
Cũng theo báo cáo của OECD, chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, ưu tiên là giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao. Trong trung hạn, cần củng cố các khung chính sách bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời, cần tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngay từ lúc này Việt Nam cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Định hướng này có thể được hiện thực hóa thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, thiết lập các quy định tạo thuận lợi và tạo cơ chế để giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng carbon.
“Để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Việc khơi dậy sức sống và tinh thần doanh nhân đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực theo hướng tinh giản các quy định, tăng tính minh bạch của các quy trình điều tiết và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường, gồm cả giữa doanh nghiệp nhà nước và các thực thể tư nhân”, báo cáo của OECD khuyến nghị.