M&A: Kích thích cho thị trường tài chính
Mua bán sáp nhập sôi động sau dịch bệnh | |
Doanh nghiệp cần sẵn sàng đón sóng M&A hậu Covid | |
Thu hút vốn ngoại qua M&A: Nhìn ngắn trông dài |
Đơn cử trong tuần qua, thương hiệu phát triển bất động sản nổi tiếng Vinhomes bất ngờ được các quỹ ngoại KKR, Temasek và một số nhà đầu tư khác thâu tóm 6% cổ phần với giá trị khoảng 650 triệu USD. Đây cũng là số tiền đầu tư kỷ lục từ đầu năm đến nay cho một thương vụ M&A. Hay trên lĩnh vực dây cáp điện, Tập đoàn Stark Corporation PCL (Thái Lan) đã chi ra đến 240 triệu USD để mua lại cùng lúc hai DN: Cáp điện Thịnh Phát (Thipha) và Nhựa kim loại màu Đồng
Việt.
Làn sóng đầu tư vào DN nội còn phải liệt kê các nhà đầu tư Nhật với tần suất ngày một dày, như Haseko Corporation - Tập đoàn xây dựng và phát triển bất động sản ở Nhật với tổng tài sản lên tới 6,8 tỷ USD đã mua lại 36% cổ phần trong DN xây dựng Ecoba Vietnam. Đây là bước đi nằm trong chiến lược 5 năm tới với trọng tâm là mở rộng thị trường nước ngoài, đặc biệt khu vực Đông Nam Á của Haseko.
Hay các quỹ Nhật như Samty Asia Investments và Vietnam New Urban Center đã ký thỏa thuận rót 22,5 triệu USD vào bất động sản Phát Đạt. Đó còn là sự kiện quỹ Daiwa PI Partner đầu tư 8 triệu USD vào startup điện ảnh Beta Cinemas còn Propzy.vn nền tảng công nghệ bất động sản tại Việt Nam đã huy động được 25 triệu USD trong vòng Series A từ SoftBank Ventures Asia kết hợp cùng Gaw Capital Partners.
Không chỉ các khoản đầu tư tài chính, các sự kiện M&A cho thấy Việt Nam vẫn nằm trong số đích nhắm của giới đầu tư nhờ triển vọng phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu bùng nổ. Việc giá cổ phiếu của các DN tiềm năng đang đứng ở mức thấp còn là cơ hội để các nhà đầu tư tăng cường thâu tóm cổ phần.
Một cú hích khác cho thị trường tài chính đến từ sự kiện Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) vào ngày 8/6/2020 và dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu tháng 8 tới đây và sẽ có nhiều cơ hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khu vực châu Âu là một trong những đối tác thương mại chiến lược của Việt Nam sau khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ. Tổng giá trị xuất khẩu giữa Việt Nam và EU (bao gồm cả Vương quốc Anh) đạt 56,39 tỷ USD trong năm 2019, chiếm 15,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Năm lĩnh vực xuất khẩu chính của Việt Nam là điện thoại, máy tính, dệt may, da giày, thiết bị điện tử và linh kiện. “Hiệp định này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao, đồng thời tăng cường thu hút dòng vốn ngoại”, hãng tư vấn CBRE Việt Nam nhận định.
Có thể thấy nhờ kiểm soát khá tốt đại dịch Covid-19 và liên tiếp ký các hiệp định thương mại có quy mô lớn, cơ hội để Việt Nam vượt lên dẫn dầu khu vực trong thu hút dòng vốn đầu tư ngoại trên nhiều lĩnh vực đang rất khả quan. Mặc dù thủ tục hoàn thành các thương vụ sẽ kéo dài thêm do các tuyến bay quốc tế hiện vẫn còn hạn chế, song theo ông Đặng Xuân Minh - Viện Nghiên cứu Đầu tư và Mua bán doanh nghiệp (CMAC), thị trường sẽ chứng kiến các thương vụ M&A vào nửa cuối năm nay nhưng có thể ở quy mô vừa và nhỏ, trong đó những lĩnh vực được dự báo tiếp tục thu hút vốn gồm: bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng. “Có thể phải sang đến năm 2021, chúng ta mới được chứng kiến nhiều hơn kết quả của các nỗ lực mà nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà tư vấn đang thực hiện trong giai đoạn hiện nay”, ông Đặng Xuân Minh nhận định.