Thu hút vốn ngoại qua M&A: Nhìn ngắn trông dài
Vốn ngoại đổ vào bảo hiểm | |
Những cú bắt tay gia tăng lợi ích của doanh nghiệp | |
M&A vẫn nóng trong dịch bệnh |
Nhiều yếu tố thúc đẩy M&A sau dịch
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính chung trong 4 tháng đầu năm, số lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN vẫn tăng 32,9%, đạt hơn 3.200 lượt. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh khiến phần lớn các hoạt động kinh tế chững lại. Một số thương vụ có thể kể đến như Super Energy mua lại cụm nhà máy điện mặt trời tại Bình Thuận; SCG muốn mua lại Bao bì Biên Hòa; hay một thương vụ mới hoàn tất trị giá 240 triệu USD do Stark Corporation, tập đoàn sản xuất dây và cáp điện hàng đầu Thái Lan mua lại Cáp điện Thịnh Phát và Kim loại màu và nhựa Đồng Việt…
Môi trường đầu tư Việt Nam có nhiều lợi thế để đón dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc |
Tuy nhiên, quy mô của dự án góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN trong 4 tháng đầu năm lại khá khiêm tốn, với tổng giá trị gần 2,48 tỷ USD, giảm 65,3% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân chỉ 0,77 triệu USD/lượt góp vốn. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ, từ 48,9% trong 4 tháng năm 2019 xuống 20,1% trong 4 tháng năm 2020.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, số lượt dự án góp vốn, mua cổ phần tăng lên đã cho thấy hình thức đầu tư này vẫn khá hấp dẫn đối với NĐTNN. Đặc biệt, thời điểm sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều khả năng NĐTNN sẽ tiếp tục gia tăng tìm kiếm cơ hội thực hiện các thương vụ góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam vì dự báo đây sẽ là thời điểm “được giá” hơn cả. Thống kê ban đầu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khoảng 84,8% DN Việt Nam được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Bên cạnh đó, từ trước khi có đại dịch Covid-19, làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc đã rất mạnh, khiến dòng vốn ngoại vào Việt Nam theo hình thức M&A đã liên tục tăng lên trong suốt 4 năm vừa qua. Nhiều công ty đang phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, vì vậy họ sẽ tiếp tục tính toán đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để nếu có biến cố xảy ra ở Trung Quốc, họ sẽ có lựa chọn khác. Thay vì từ bỏ hoàn toàn Trung Quốc, các NĐT chọn việc bổ sung thêm các cơ sở sản xuất với đầu vào giá rẻ khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, hay còn được gọi là chiến lược Trung Quốc+1.
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nhận định, rất nhiều DN rời Trung Quốc sẽ không trở lại. “Covid-19 đã cho các công ty thêm một lý do để cảm thấy rằng họ nên ở một nơi như Việt Nam. Và như vậy, tôi nghĩ rằng đó là một xu hướng dài hạn mà chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến”, ông nhấn mạnh.
Có nên dựng chốt chặn?
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 vừa công bố đã chỉ ra xu hướng tích cực trong thu hút vốn nước ngoài. Đó là lần đầu tiên trong 10 năm thực hiện điều tra DN FDI của dự án PCI, nhóm nghiên cứu quan sát được xu hướng gia tăng cả về quy mô lao động và quy mô vốn đầu tư ở các DN FDI. Ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc dự án PCI cho biết, đây là một phát hiện quan trọng, bởi nó nêu bật thực tế là dòng vốn FDI tăng không chỉ do các dự án mới, mà còn bởi các NĐTNN đang hoạt động sẵn sàng mở rộng quy mô đầu tư hiện tại sau khi đã thực sự trải nghiệm môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Một phát hiện khác được nhóm nghiên cứu PCI chia sẻ, đó là xu hướng gia tăng tỷ lệ DN FDI đăng ký dưới hình thức DN trong nước. Sau khi ban hành Luật Đầu tư 2014 trong đó có quy định DN có tỷ lệ vốn chủ sở hữu do NĐT tư nhân Việt Nam góp vốn từ 51% trở lên được coi là DN lớp trong nước, do đó không cần xin giấy phép đầu tư, thì tỷ lệ DN FDI đăng ký dưới hình thức này đã gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ đăng ký theo quy định này của Luật DN 2014 chỉ chiếm 4% số DN xin cấp giấy phép đầu tư trước năm 2015, và sau khi luật được thông qua, con số này đã tăng lên ở mức 13%.
Trước xu hướng vốn ngoại vào Việt Nam theo hình thức M&A ngày càng gia tăng, đặc biệt cơ hội thâu tóm DN Việt đang lớn dần lên do tác động của dịch Covid-19, việc củng cố lại khung pháp lý đối với hoạt động M&A cũng trở nên cấp thiết hơn. Bởi theo phản ánh của nhiều địa phương, Luật Đầu tư 2014 đã tạo bước đổi mới thuận lợi hơn cho giao dịch M&A. Các cá nhân nước ngoài có điều kiện thuận lợi hơn khi thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế Việt Nam để kinh doanh mà không cần phải làm thủ tục đăng ký đầu tư, thủ tục hồ sơ đơn giản, không có quy định để xem xét dòng tiền góp vốn của NĐT có thực chất hay không… Từ đó đã gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước quản lý việc góp vốn tại DN.
Thậm chí còn có trường hợp việc đăng ký thực hiện giao dịch M&A được tiến hành ngay sau khi giấy chứng nhận đăng ký DN được trao cho tổ chức kinh tế Việt Nam. Điều đó cho thấy nhiều khả năng đã có hiện tượng NĐTNN mượn tên tuổi của người Việt Nam để thành lập DN rồi tiến hành thâu tóm nhằm né các thủ tục cần thiết.
Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng không nhất thiết phải dựng lên chốt chặn riêng đối với hình thức M&A. Thay vào đó là có bộ lọc chung đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. TS. Phạm Sỹ Thành - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, hiện nay chúng ta đã có Nghị quyết 50 về thu hút FDI thế hệ mới. Từ đó, cần hoàn thiện các công cụ, chế tài để kiểm soát. Đặc biệt, cần phát huy tính chủ động của địa phương trong việc tiếp nhận dòng vốn ngoại, làm sao đảm bảo không phá vỡ định hướng chung về thu hút vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi tiêu chí ưu đãi để lựa chọn các dự án FDI chất lượng hơn, hạn chế dự án gây ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, khuyến khích liên kết với DN Việt Nam, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam...
Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đặt mục tiêu: Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm). Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỉ USD (20 - 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm). Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030. |