Doanh nghiệp cần sẵn sàng đón sóng M&A hậu Covid
Thu hút vốn ngoại qua M&A: Nhìn ngắn trông dài | |
M&A vẫn nóng trong dịch bệnh |
Ảnh minh họa |
Mua bán, sáp nhập (M&A) đã tăng trưởng không ngừng và trở thành một xu thế quan trọng trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam những năm gần đây. Nếu năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A chỉ đạt 1,1 tỷ USD thì đến năm 2018, con số này đã đạt 7,64 tỷ USD. Qua đó, tổng giá trị thương vụ trong thập kỷ qua đạt khoảng 55 tỷ USD.
Sự thành công của các thương vụ M&A đình đám và hiệu quả lợi nhuận mà nó mang lại đã chứng tỏ được ý nghĩa quan trọng của M&A đối với việc mở rộng kinh doanh, tái cấu trúc của doanh nghiệp.
Là chuyên gia nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, tài chính, đã trực tiếp tham gia và phụ trách chuyên môn nhiều chương trình phân tích, rà soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Anh, Giám đốc Khối ngân hàng đầu tư của Công ty CP Chứng khoán MB cho rằng: "Mua bán và sáp nhập là một công cụ hiệu quả để tái cơ cấu doanh nghiệp, một cách thức để doanh nghiệp mở rộng hoặc thu hẹp, phát triển hoạt động kinh doanh của mình trong nỗ lực tạo ra các giá trị lớn hơn cho cổ đông, quản trị và giảm thiểu rủi ro".
Tuy nhiên, không phải thương vụ M&A nào cũng thành công, mang lại lợi nhuận, vì vậy theo ông Xuân Anh, doanh nghiệp phải chuẩn bị nhiều điều kiện sẵn sàng trước khi thực hiện việc mua bán, sáp nhập.
Theo vị chuyên gia này, yếu tố đầu tiên chính là chất lượng tài sản. Khi chất lượng tài sản của doanh nghiệp tốt, đó chính là điểm hấp dẫn nhà đầu tư và là căn cứ để doanh nghiệp có thể dùng để đàm phán giá với nhà đầu tư.
Đặc biệt, với bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy quy mô nhỏ và có thể kiểm soát được tận gốc hoạt động kinh doanh nhưng do kĩ năng quản trị doanh nghiệp yếu kém nên vẫn tạo ra lỗ hổng quản trị rất lớn cho doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khả năng trả nợ kém, công ty sử dụng vốn không có mục đích, không hiệu quả. Vì vậy, cần tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp qua việc tạo những đội ngũ quản trị doanh nghiệp riêng.
Đồng thời, các diễn giả cũng cho rằng, để tạo sự minh bạch, từ đó khiến các đối tác có sự tin tưởng, doanh nghiệp nên điều chỉnh việc kế toán, lập hồ sơ sổ sách. Mỗi doanh nghiệp chỉ nên có một sổ kế toán. Bên cạnh đó, một yếu tố tài sản vô hình quan trọng đó là văn hóa của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, hiện nay một số doanh nghiệp đã tạo nên được văn hóa doanh nghiệp như phân quyền quản lý, lãnh đạo không nắm giữ tất cả cổ phần, giúp các cán bộ, nhân viên cảm nhận được giá trị của họ nằm trong giá trị chung của doanh nghiệp. Chính tài sản vô hình đó làm nên giá trị doanh nghiệp mà người nước ngoài, doanh nghiệp mua lại đánh giá rất cao.
Để có thể đạt được những yếu tố này, theo các chuyên gia, hiện nay công nghệ Fintech đang rất phát triển, doanh nghiệp có thể dùng nó để quản trị nguồn thu, tài sản một cách tốt nhất. Phần lớn các doanh nghiệp hiện giờ không có chiến lược, kế hoạch kinh doanh, từ đó khó mà xây dựng được kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính.
“Các doanh nghiệp nên có kế hoạch, mục tiêu kinh doanh dài hạn và xuyên suốt từ người lãnh đạo xuống các nhân viên cấp thấp nhất, qua đó mới tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững và là một điểm cộng khi tiến hành M&A”, một chuyên gia phát biểu.
Còn đối với vị thế của người đi mua, ông Phạm Xuân Anh chia sẻ, điều quan trọng mà đối tác nước ngoài coi trọng đó là phải có đội ngũ tư vấn. Có những doanh nghiệp nước ngoài trước khi M&A đã bỏ tiền thuê cả 5 đội ngũ tư vấn để có thể tìm ra độ rủi ro và đánh giá chất lượng tài sản, giúp thương vụ diễn ra một cách trọn vẹn.
Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào các doanh nghiệp, dẫn đến làn sóng M&A dự báo sẽ tăng cao, nhiều doanh nghiệp sẽ bị thâu tóm. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này một phần đến từ việc doanh nghiệp Việt có "bệnh" đi vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, cộng với vòng quay vốn lưu động tốt, doanh nghiệp đầu tư mảng khác dẫn đến hiểm họa.
Ông Phạm Xuân Anh cho rằng, doanh nghiệp Việt có xu hướng trải qua nhiều ngành nghề, dẫn đến không có nền tảng để phát triển. Do đó dẫn đến tình trạng chúng ta đang mất nhiều tài sản trong tay người nước ngoài. Vị chuyên gia này cho rằng, không phải dịch làm cho doanh nghiệp khó, mà bản thân doanh nghiệp đã khó, Covid-19 như "giọt nước tràn ly" làm khó khăn thêm trầm trọng.
TS. Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Long Biên cũng nhấn mạnh, thời điểm 7-8 năm về trước, ai cũng muốn đầu tư vào ngân hàng, bất động sản, thế nhưng thực tế đã chứng minh doanh nghiệp chỉ nên đầu tư vào mảng lợi thế tốt nhất của mình, không nhất thiết phải đa ngành.
Trong thời gian sắp tới, các chuyên gia cho rằng sẽ có nhiều điểm sáng cho các doanh nghiệp muốn M&A. Cụ thể, Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt và có một hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Đặc biệt, việc phê chuẩn EVFTA là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là bộ phận DNNVV, nhất là các lĩnh vực liên quan đến công nghệ 4.0, Fintech. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể mời các DNNVV ở châu Âu thành cổ đông chiến lược của mình.
Đồng thời, EVFTA gỡ bỏ 99% hàng rào thuế quan đối với khu vực EU, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhiều hàng hóa bán thành phẩm từ châu Âu về để sản xuất, xuất khẩu. Công nghệ phụ trợ từ châu Âu sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Để đón đầu làn sóng này, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tái cơ cấu lại bộ máy. Đồng thời cần quan tâm đến câu chuyện xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Bởi lẽ, thương hiệu sẽ là một tài sản vô hình tạo ra doanh thu và lợi nhuận, là yếu tố quan trọng trong quá trình định giá doanh nghiệp trong các thương vụ M&A.