Mở đường cho nông sản Việt vào thị trường EU
Tiềm năng nhiều, dư địa lớn
Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU, hiện châu Âu là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới, quy mô khoảng 35 tỷ Euro/năm, trong đó nhu cầu với rau quả nhiệt đới, rau quả hiếm lạ ngày càng cao.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường EU chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 0,36% lượng nhập khẩu của khối, cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn.
“Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tạo nền tảng pháp lý và động lực thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết thêm.
Chia sẻ về thị trường Hà Lan, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh đánh giá, Hà Lan là quốc gia cửa ngõ của châu Âu, là điểm trung chuyển đi khắp lục địa với hệ thống logistics và vị trí địa lý thuận lợi nhưng mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn ít về chủng loại.
“Theo quan sát của tôi thì mặt hàng trái cây Việt Nam ở đây rất ít, do nguồn hàng không ổn định, giá thành cao và bảo quản chưa tốt. Nếu có thể tăng diện tích trồng và đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thì đây sẽ là một kênh tiềm năng để rau quả Việt Nam đi châu Âu”, ông Phạm Việt Anh nhấn mạnh.
Còn theo Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên, yếu tố mà thị trường EU rất coi trọng là vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản khi nhiều vùng trồng ở Việt Nam vẫn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc sau thu hoạch không đáp ứng yêu cầu của thị trường này.
Ba trở ngại lớn
Tại “Tọa đàm chuyên đề trực tuyến về xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu” ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã chỉ ra 3 trở ngại lớn đối với nông sản xuất khẩu Việt Nam hiện nay đó là biến đổi khí hậu; biến động thị trường và sự chuyển biến xu thế tiêu dùng thế giới.
Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quảng bá sản phẩm theo hướng nông nghiệp sạch nhưng hiện nay, phong trào tiêu dùng xanh là xu thế của thị trường quốc tế. Nông nghiệp sạch chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, đối với xã hội.
Bên cạnh yêu cầu về chất lượng kỹ thuật, an toàn thực phẩm, nhiều nước đã đưa ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến. Coi đó như một loại trách nhiệm, đạo đức xã hội của doanh nghiệp với sự phát triển bền vững trên toàn thế giới. Rất có thể, trong thời gian sắp tới, nhiều nước sẽ yêu cầu ghi rõ ràng các tiêu chuẩn này trên bao bì sản phẩm.
Hoạt động giao thương không chỉ dừng lại là trao đổi hàng hóa, cần phải nâng lên đó là hoạt động trao đổi cảm xúc. Khi hai thị trường cùng chung một hệ quy chiếu, chung một ý thức về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường…sẽ trở nên gần gũi. Từ đó, những khó khăn dễ dàng được tháo gỡ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra những tồn tại của các doanh nghiệp Việt Nam như sản xuất còn mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động xuất khẩu…dẫn đến chi phí tăng cao.
“Nông dân mang tư duy mùa vụ, doanh nhân mang tư duy thương vụ, một số cán bộ chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ. Cần phải thay đổi ngay các tư tưởng này, mở rộng suy nghĩ và tầm nhìn. Đề ra các chiến lược dài hơi, 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm để đạt được các mục tiêu cụ thể”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Để tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, Bộ trưởng Lê Minh Hoàn đề nghị các doanh nghiệp hiện nay đang có hoạt động vào thị trường EU thành lập lên một liên minh, hiệp hội, dựa trên thông tin do 27 Tham tán ngoại giao ở nước ngoài cung cấp để thống nhất phương thức hoạt động, định hướng được thị trường sản phẩm và xây dựng lên các vùng nguyên liệu.
Bộ trưởng ví dụ, các doanh nghiệp có thể phối ghép với nhau trong khâu vận chuyển hàng hóa, từ đó tiết kiệm được chi phí, giảm giá thành sản phẩm, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa.
Bộ trưởng mong muốn các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài tham mưu sâu hơn về thông tin, đặc trưng thị trường nước sở tại để từ đó nông sản Việt Nam định hướng được mục tiêu, đưa ra phương pháp tiếp cận phù hợp.
“Nhiều doanh nghiệp đã mở đường đưa hoa quả sang EU, nhưng có lẽ chúng ta không thể đi theo cách đơn thương độc mã, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Chúng ta phải tính đến việc thành lập liên minh hoặc hiệp hội xuất khẩu sang EU để giúp nông sản đi xa hơn. Hiện chúng ta thiếu chiến lược tổng thể để xuất khẩu hoa quả sang EU vì vẫn còn nặng tư duy mùa vụ, nhiệm kỳ. Cần gạt bỏ điều này và xây dựng được chiến lược với việc làm rõ vai trò của các thành tố tham gia”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Tăng cường kết nối
Đại diện cho khối doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vina T&T Group cho biết, thị trường EU chấp nhận nhập khẩu rau, củ, quả Việt Nam không cần qua đàm phán, tuy nhiên lại không có đại diện kiểm dịch của EU tại Việt Nam để kiểm soát chất lượng xuất đi nên cũng khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu rau quả tại Việt Nam.
Ông Tùng cho rằng, hiện nay châu Âu chưa có đơn vị kiểm định sản phẩm tại Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro bị hủy đơn sau khi đã đến châu Âu, tốn kém rất nhiều về chi phí và thời gian vận chuyển.
Bên cạnh đó, các vùng nguyên liệu còn nhỏ lẻ, manh mún cũng là yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình đăng ký các chứng nhận đáp ứng yêu cầu của châu Âu, ví dụ như Global GAP.
Với kinh nghiệm tiếp cận thị trường EU nhiều năm trong lĩnh vực xuất khẩu hoa, quả, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cũng thừa nhận việc xuất khẩu hoa quả tươi sang thị trường này rất khó khăn. Chính vì vậy, Công ty chuyển hướng thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm hoa quả đông lạnh đã qua chế biến. Đặc biệt có sản phẩm sầu riêng Ri6 đông lạnh được khách hàng của nhiều nước yêu thích và liên tục hết hàng.
Phần lớn các kiến nghị của khối doanh nghiệp gửi tới các Đại sứ tham dự Tọa đàm đều liên quan đến vấn đề kết nối. Theo đó, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam tại thị trường châu Âu đầu tiên là cung cấp thông tin về các chính sách, yêu cầu rồi sau đó là thói quen tiêu dùng, thị hiếu của thị trường. Nếu các doanh nghiệp được tiếp cận sớm với các thông tin này quá trình xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được các đại sứ kết nối để tham gia vào những hội chợ nổi tiếng ở châu Âu giúp tăng cường xúc tiến thương mại cho thị trường này; kết nối để doanh nghiệp có thể nhập về với các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực chế biến, bảo quản rau quả, sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu.