Ngành thép ứng phó với phòng vệ thương mại
Mới đây, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) gia hạn lần thứ 5 thời gian ban hành Kết luận điều tra cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép chính xác có xuất xứ từ một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tương tự, trước đó Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu. Theo đó, EC kết luận, ngành sản xuất nội địa Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục bị thiệt hại nghiêm trọng nếu không gia hạn biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời các nhà sản xuất thép EU vẫn đang thực hiện điều chỉnh để thích nghi với sự gia tăng nhập khẩu thép. Vì vậy, EC quyết định gia hạn thời gian áp dụng biện pháp tự vệ theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu thêm 3 năm (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2024).
Ảnh minh họa |
Theo kết luận này, EC tiếp tục duy trì cách thức phân bổ hạn ngạch kết hợp giữa phân bổ hạn ngạch riêng theo từng nước và hạn ngạch chung cho các nước còn lại. Thuế trong hạn ngạch là 0%, trong khi thuế ngoài hạn ngạch là 25%.
Như vậy có nghĩa, Việt Nam sẽ tiếp tục bị áp dụng TRQ chung với các nước khác theo từng quý đối với các sản phẩm thép tấm cán nguội, thép mạ, phủ, tráng, thép tấm không gỉ và ống thép đúc. Đối với các nhóm sản phẩm thép khác, Việt Nam được loại trừ theo tiêu chí nước đang phát triển có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%). Trường hợp thị phần nhập khẩu một nhóm sản phẩm thép khác từ Việt Nam vào EU vượt quá 3%, nhóm này sẽ bị đưa vào danh sách áp dụng TRQ trong các lần rà soát hành chính hàng năm. Chính vì vậy, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu thép theo dõi lượng nhập khẩu để biết mức hạn ngạch còn lại khi xuất khẩu sang EU.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020, có 193 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa, xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với thép và sản phẩm từ thép chiếm tỷ lệ cao nhất (64 vụ), tương đương 33,1%. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam đã phải đối mặt với 34/109 vụ điều tra chống bán phá giá (CBPG), 7/21 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG, 12/23 vụ điều tra chống trợ cấp và 11/40 vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ.
Mặc dù vậy, “cơn bão” phòng vệ thương mại với thép xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong năm qua không dừng lại ở đó, danh sách các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm Việt vẫn tiếp tục kéo dài. Bước qua năm 2021, thị trường liên tiếp ghi nhận các vụ điều tra của đối tác nhập khẩu thép của Việt Nam như EU, Úc, Malaysia, Ấn Độ…
Đại diện Cục phòng vệ thương mại cho biết, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến sản phẩm thép Việt bị điều tra. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất nội địa, trong đó thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất, nên đa số các nước đều cố gắng bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất thép trong nước để nâng cao giá trị gia tăng mà nền kinh tế tạo ra và có thêm việc làm cho người lao động. Ngoài ra, việc Việt Nam ký kết một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song và đa phương thế hệ mới khiến nhiều mặt hàng, trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0%, dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình…
Thực tế, sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam có giá thành tương đối cạnh tranh so với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của một số nước khác, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí nhân công rẻ, các doanh nghiệp đang dần dần tự sản xuất nguyên liệu đầu vào, nhiều nhà máy mở rộng quy mô, nâng cao sản lượng, đẩy mạnh xuất khẩu… dẫn đến mặt hàng này được xuất khẩu ồ ạt sang các nước với kim ngạch ngày càng gia tăng khiến cho ngành này luôn phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Theo Bộ Công thương, việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có mặt hàng thép là điều không thể tránh khỏi khi tham gia vào các FTA, do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh. Chính vì vậy, trong trường hợp có vụ kiện phòng vệ thương mại xảy ra, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần chủ động tham gia, xử lý, hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị áp dụng những thông tin bất lợi. Đồng thời, doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, tránh xuất khẩu quá tập trung vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro bị điều tra, áp thuế, đặc biệt khi bị áp thuế cao doanh nghiệp có thể mất thị trường. Nhất là, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời khi bị vướng vào điều tra phòng vệ thương mại ở nước xuất khẩu.