Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Quốc hội thảo luận về Luật Hợp tác xã, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng | |
Bảo vệ người tiêu dùng tài chính và phát triển bền vững |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội |
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, qua thảo luận, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập, sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử; phù hợp với các cam kết quốc tế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến và các nhóm chính sách, nhiều điều khoản cụ thể như phạm vi, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, mối quan hệ và tính thống nhất với các luật liên quan, tính khả thi của một số điều khoản; nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng, chính sách của nhà nước, vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch từ xa, bán hàng đa cấp, giao dịch điện tử, mô hình kinh doanh mới, kinh doanh nội dung số… về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, các hành vi bị cấm, xử lý vi phạm pháp luật; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh…
Trước đó, phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành. Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu ý kiến theo hướng Dự thảo Luật điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.
Dự án Luật tập trung nhiều vào việc bảo vệ cá nhân người tiêu dùng; cả những yếu tố là người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam; phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan tâm đến người tiêu dùng là tổ chức, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và rà soát, bổ sung.
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Thứ trưởng cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.
Về cơ chế giải quyết tranh chấp, ban soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, viện dẫn các quy trình thủ tục của Bộ Luật Tố tụng dân sự để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật; đồng thời sẽ có báo cáo đánh giá tác động với một số nội dung đại biểu đã nêu.