Phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn
Những năm gần đây, giá cả các mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, cao su luôn không ổn định và có chiều hướng liên tục sụt giảm trên thị trường. Điều này đã tác động tiêu cực đến thu nhập, đời sống của nhiều hộ nông dân khu vực Tây Nguyên.
Trước tình hình đó, nhiều nông hộ, DN, HTX đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong số đó, có nhiều nông hộ, HTX chọn chuyển đổi sang sản xuất cây ngắn ngày như rau sạch, đậu, ngô... Các DN đã vào cuộc tham gia chuỗi liên kết sản xuất và bước đầu đã mang lại thành công.
Tại tỉnh Gia Lai, những năm gần đây, các mặt hàng nông sản rau củ quả của địa phương này xuất đi các tỉnh, thành trong cả nước và được người tiêu dùng chấp nhận. Ngành rau quả Gia Lai có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ sẽ tạo động lực cho ngành sản xuất rau an toàn phát triển |
Theo ông Trần An Đình, thành viên HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp An Bình (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), từ hiệu quả kinh tế của mô hình liên kết sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo điều kiện cho HTX này ra đời và bước đầu hoạt động hiệu quả. Năm 2017, HTX tiêu thụ được trên 22 tấn rau, tổng thu trên 262 triệu đồng. Trong đó, diện tích trồng rau VietGAP của thành viên chỉ hơn 8ha; có 1.000m2 nhà lồng để ươm giống cây trồng phục vụ sản xuất và kinh doanh. Đến nay, HTX An Bình có 110 thành viên, với diện tích rau canh tác 22,1ha, sản lượng hàng năm trên 2.221 tấn với hơn 30 chủng loại rau. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Rau An Khê-Gia Lai”. Đây là cơ hội để sản phẩm rau An Khê tạo lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giúp người trồng rau nâng cao thu nhập. Hiện mỗi hecta trồng rau cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động sản xuất ngành hàng này vẫn chỉ ở quy mô nhỏ, phân tán, sản phẩm có giá thành cao, chưa tạo được sản lượng hàng hóa lớn nên sức cạnh tranh không cao. Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học vẫn chưa được kiểm soát tốt; chuỗi cung ứng giữa người sản xuất và DN chế biến, tiêu thụ còn ít.
Theo định hướng đến năm 2030, tỉnh Gia Lai có khoảng 45.000ha rau, củ và khoảng 55.000ha cây ăn quả. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường tiềm năng như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các nước EU, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Để phát triển chuỗi cung ứng rau, hoa, quả theo hướng bền vững, cũng như định hướng cho nông dân phát triển các loại cây trồng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức các diễn đàn với chủ đề “Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cung ứng rau, hoa, quả tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên” nhằm phát triển chuỗi liên kết giữa nông hộ với các HTX, DN để đưa các sản phẩm ra thị trường cả nước.
Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích, sản lượng rau, hoa, quả của Gia Lai trong 5 năm gần đây có tăng nhưng không đáng kể, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn diện tích sản xuất tự phát, manh mún nên gặp khó khăn trong công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. DN, HTX chưa thực sự quan tâm đến việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia liên kết...
Song để ngành rau quả phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu và toàn diện, các địa phương cần tiếp tục định hình đúng và quản trị tốt chuỗi giá trị cung ứng rau, quả. Trong đó, chú trọng bảo đảm sự gia tăng giá trị cho từng mắt xích trong chuỗi. Các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân tham gia HTX để thực hiện quy trình sản xuất tập trung quy mô lớn, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như ổn định đầu ra. Việc tổ chức liên kết sản xuất giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác và DN sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất theo kiểu truyền thống. Mô hình này sẽ giúp tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, vận chuyển, thời gian sản xuất sản phẩm.
Năm 2020, tác động của dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai bão, lũ liên tiếp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chuỗi cung ứng của ngành rau củ quả, khiến nhiều nông hộ, cũng như các HTX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Các loại củ, quả rớt giá khiến người dân lao đao. Vấn đề trên làm cho thu nhập của các nông hộ sụt giảm, thậm chí có nông hộ thua lỗ. Do vậy, các nông hộ, HTX, DN rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất rau củ quả. Bởi do tác động kép từ thiên tai, dịch bệnh, việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm VietGAP của các HTX vẫn là bài toán nan giải.
Hiện các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, hoạt động sản xuất nông nghiệp đang chiếm trên 50% trong cơ cấu kinh tế. Vậy nên, vấn đề chọn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; trong đó có ngành rau củ quả được xem là hướng phát triển phù hợp để gia tăng giá trị sản phẩm. Các HTX, DN sản xuất rau an toàn cần mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào công tác sản xuất. Từ đó, góp phần vào việc định hướng các nông hộ thành viên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, củ, quả sạch.
Cùng đó, thực tế cho thấy, hiện đa phần các HTX mới chỉ tập trung sản xuất, chưa chú trọng đến xây dựng một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong khi đó, để giải "bài toán" đầu ra cho rau an toàn cần sự nỗ lực từ nhiều phía như nông hộ, HTX, DN và chính quyền các địa phương. Trong đó, vai trò của ngành nông nghiệp rất quan trọng; cần tăng cường tập huấn, tổ chức tham quan mô hình, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP rộng rãi cho người dân.