Phát triển mô hình làm việc từ xa có đe dọa văn phòng truyền thống?
Covid-19 sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư phát triển mô hình làm việc từ xa và công nghệ tương tác trực tuyến. Dù điều này có thể được coi là một mối đe dọa cho nhu cầu văn phòng truyền thống trong tương lai.
Mô hình làm việc tại nhà trở nên phổ biến
Các biện pháp cách ly xã hội đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Việt Nam cũng đã chuyển sang chế độ ngăn chặn lây nhiễm mạnh hơn khi “cách ly xã hội”, áp dụng từ ngày 1/4. Theo đó, hầu hết các công ty cũng đã thực hiện các quy định cách ly và mô hình làm việc tại nhà trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL, cho biết: “Làm việc từ xa trước đây chỉ phổ biến trong giới lao động tự do hoặc công nghệ thông tin. Dịch bệnh đã thúc đẩy doanh nghiệp thực sự thử nghiệm mô hình làm việc này, một khái niệm đã được thảo luận nhiều trước đây nhưng chưa được thực hiện hóa trên diện rộng”.
Covid-19 sẽ tác động đến thị trường theo hai hướng chính: định nghĩa lại mục đích của văn phòng truyền thống và thay đổi cách các công ty chọn thuê văn phòng. Thước đo năng suất làm việc có thể sẽ không dựa vào việc nhân viên có mặt ở văn phòng hay không. Và chúng ta vẫn đang tìm giải pháp để duy trì tính hiệu quả công việc như trước đây.
“Sau khi đại dịch được kiểm soát, JLL tin rằng mô hình làm việc từ xa sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, mặc dù có nhiều thách thức, đặc biệt là ở các quốc gia nơi đa phần dân số sống trong không gian nhà nhỏ và không thuận lợi để làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng các công ty chú trọng hơn đến kế hoạch kinh doanh liên tục và xây dụng mô hình làm việc từ xa tốt hơn”, chuyên gia JLL chia sẻ.
Covid-19 thúc đẩy phát triển mô hình làm việc từ xa
Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp cần lên chiến lược cho hậu Covid-19, có thể cho phép nhân viên lựa chọn địa điểm tùy theo nhu cầu công việc.
Trong tương lai, không gian văn phòng có thể dành cho các công việc cần có sự tương tác với đồng nghiệp, những công việc có thể làm một mình sẽ tiếp tục thực hiện từ xa.
Các chính sách mới về sức khỏe và vệ sinh cần được ưu tiên hàng đầu, chẳng hạn như việc nâng cao chất lượng không khí trong văn phòng, cung cấp các dung dịch vệ sinh cho bàn ghế, điện thoại, chuột và bàn phím.
Bà Trang Bùi cho hay, khi làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn nữa, công nghệ và các không gian linh hoạt sẽ là hạng mục đầu tư cố định của doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ tác động đến nhu cầu của khách thuê lên chủ tòa nhà. Những tòa nhà chú trọng đầu tư vào hạng mục sức khỏe và không gian xanh cho người lao động sẽ chiếm ưu thế.
Nhìn xa hơn năm 2020, JLL dự đoán Covid-19 sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư phát triển mô hình làm việc từ xa và công nghệ tương tác trực tuyến. Dù điều này có thể được coi là một mối đe dọa cho nhu cầu văn phòng truyền thống trong tương lai, nhưng chúng ta vẫn chưa thể kết luận chắc chắn.
Doanh nghiệp sẽ tập trung tối ưu hóa không gian văn phòng, từ đó nâng cao hiệu quả danh mục đầu tư. Đã đến lúc suy nghĩ cho chiến lược đầu tư văn phòng sau khi đại dịch được kiểm soát, đại diện JLL kết luận.
Theo báo cáo mới nhất của JLL, trong quý I/2020, nguồn cung văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội đạt tổng cộng hơn 4,3 triệu m2. Chủ nhà của các tòa nhà lớn có nhiều diện tích trống, nhiều trong số đó là những tòa nhà mới hoàn thành, có thể cần xem xét giá thuê và chiến lược cho thuê để thu hút hơn. Giá cho thuê văn phòng trung bình tại TP.HCM và Hà Nội lần lượt đạt 30 USD/m2/tháng và 17,9 USD/m2/tháng.
JLL quan sát thấy một vài chủ nhà đã xem xét hoặc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho khách thuê dưới dạng miễn hoặc giảm tiền thuê, phí dịch vụ hoặc phụ phí trong thời gian thực hiện cách ly theo quy định của chính phủ trong tháng 4/2020.