Phát triển nhà ở cho công nhân: Doanh nghiệp không mặn mà
Hàng chục triệu công nhân chưa có nhà ở ổn định
Theo đại diện Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2020, cả nước đã dành khoảng 600 ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Các khu công nghiệp của nước ta hiện vẫn đang chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chứ chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội cho người lao động. Trong khi đó, nước ta hiện có trên 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách Nhà nước.
Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân là yếu tố quan trọng để mang lại hiệu quả sản xuất, đem đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Hơn thế, môi trường kinh doanh khép kín sẽ đảm bảo duy trì cho việc sản xuất trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay. Nhất là trong đợt dịch Covid lần 4 vừa qua, đã phát lộ đầy đủ hơn vấn đề bức xúc của công nhân lao động - đó là nhà ở.
Nguồn cung nhà ở cho công nhân tại các KCN còn rất thấp |
Thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện mới chỉ có 2,58 triệu m2, chỉ đủ bố trí cho 330 nghìn người lao động, nhưng hàng chục triệu công nhân chưa có nhà ở ổn định lâu dài. Con số này rất thấp so với nhu cầu thực tế. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nguồn cung về nhà ở cho công nhân hiện nay chỉ như muối bỏ biển. Do đó, người lao động tại các khu công nghiệp cần được đảm bảo về phúc lợi xã hội, cần được chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, có việc làm bền vững để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Việc đầu tư phát triển nhà tạo chỗ ở ổn định cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế. Trước tình hình đó, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách để thực hiện còn nhiều vướng mắc, còn độ vênh giữa quy định pháp luật với thực tiễn.
Chính sách chưa đồng bộ
Theo ông Phạm Văn Ân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), nhiều nhà đầu tư không quan tâm đến nhà ở công nhân do giới hạn về lợi nhuận dự án, giới hạn về đối tượng khách hàng. So với các dự án nhà ở thương mại cần thêm một số thủ tục liên quan đến dự án nhà ở xã hội như phê duyệt giá, danh sách khách hàng… Ngoài ra, trong dự án nhà ở xã hội bắt buộc phải bố trí một phần diện tích nhà cho thuê nên cũng phần nào làm giảm sự hấp dẫn của phân khúc này.
Bà Vũ Thị Hợp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại Dạ Hợp chia sẻ, công ty đã triển khai đầu tư an sinh xã hội về nhà ở công nhân từ năm 2011. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhà ở tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là pháp lý và quy định pháp luật còn xung đột, chồng chéo với nhau. Hiện Dạ Hợp đã đầu tư xong 2 dự án nhà ở công nhân và đang tiếp tục đầu tư 3 dự án nữa. Dù không dự án nào có lãi nhưng công ty vẫn tiếp tục triển khai dự án phục vụ đời sống cho công nhân lao động.
Còn theo ông Trần Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera, Tổng công ty đã xây dựng nhiều nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tại các khu công nghiệp của công ty đều có các khu nhà ở công nhân. Thực tế cho thấy, qua những đợt dịch Covid-19, việc công nhân được an cư trong những khu nhà ở đã góp phần để giúp hoạt động sản xuất của công ty được duy trì ổn định.
Dù chính sách đã có khá nhiều, nhưng vẫn còn điểm nghẽn, gây khó khăn cho công nhân và cả những công ty tại khu công nghiệp. Đáng chú ý, nhiều khu công nghiệp có đầy đủ và đồng bộ hạ tầng, tạo ra môi trường, cảnh quan rất hiện đại, đầy đủ. Tuy nhiên, qua khảo sát, có đến 80 - 90% công nhân lao động đều ở tạm cư. Tại khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100 nghìn công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10 nghìn người, còn lại hơn 90 nghìn công nhân là thuê nhà trọ. Cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều mong muốn được thuê, sử dụng nhà ở nhưng không được thuê do còn vướng chính sách, ông Trần Ngọc Anh cho biết thêm.
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân KCN. Theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014. Bên cạnh đó, còn có sự chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Quy định về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đang có sự khác nhau giữa Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Để giải bài toán nhà ở công nhân, ông Đào Công Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang đề nghị sửa Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế theo hướng quy hoạch KCN phải quy hoạch đồng bộ khu dịch vụ trong KCN để dành đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở (phải đáp ứng tối thiểu chỗ ở cho 50% số công nhân trong khu công nghiệp đó). Đồng thời, gắn trách nhiệm bắt buộc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN có trách nhiệm phải đầu tư khu nhà ở công nhân và được xem khu nhà ở cho công nhân tương tự như hạ tầng kỹ thuật KCN mà chủ đầu tư thực hiện.