Quản lý thị trường xử lý vi phạm trong kinh doanh dược phẩm, thực phẩm
Theo đó, qua kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành đối vói nhóm mặt hàng dược phẩm, Cục quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh phát hiện 2 vụ vi phạm không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý xuất, nhập, tồn về nguồn gốc của thuốc; không ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, hạn dùng cho người sử dụng trong trường hợp bán lẻ thuốc không đựng trong bao bì ngoài của thuốc; không niêm yết giá bán lẻ bằng đồng Việt Nam tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược…
Lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiến hành công tác tiêu hủy các mặt hàng vi phạm đã bị tịch thu |
Đối với nhóm mặt hàng thực phẩm, Cục Quản lý Thị trường thành phố phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của TP. Thủ Đức và các quận, huyện phát hiện 27 vụ vi phạm. Đoàn kiểm tra đã ban hành quyết định xử lý 24 vụ, với các hành vi vi phạm: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tổng số tiền phạt đến thời điểm ngày 11/10 là 323.500.000 đồng. Đoàn kiểm tra tạm giữ xử lý 8.102 đơn vị sản phẩm hàng hóa các loại gồm thực phẩm như rượu vang, bánh nướng, táo đỏ, nho khô, kẹo socola, bánh Trung thu, khoai lang, cải sấy dẻo, đường cát, bánh dứa, bánh gạo lứt, bánh chà bông, trà dưỡng nhan... vi phạm. Đoàn kiểm tra cũng xử lý các vi phạm không thông báo sửa đổi hoặc đăng ký sửa đổi với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định khi thực hiện khuyến mãi.
Lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường và phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại...
“Lực lượng quản lý thị trường sẽ nắm chắc diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình thị trường, nhất là đối với những hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân như: xăng, dầu, khí hóa lỏng, lương thực, thực phẩm, dược phẩm; kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh, nổi cộm trên thị trường; chú trọng kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và hạn chế kinh doanh; các quy định về giá, đo lường, chất lượng, an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa và thương mại điện tử”, lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết.